Tổng thống Philippines Duterte định phá vỡ trật tự an ninh khu vực?

Sau khi cựu Tổng thống Barak Obama chỉ trích chính sách ma túy của mình, ông Duterte cảnh báo “tôi sẽ chia tay với Mỹ,” đồng thời nói thêm rằng: “Tôi muốn đến với Nga và Trung Quốc.”
Tổng thống Philippines Duterte định phá vỡ trật tự an ninh khu vực? ảnh 1Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo japantimes.co.jp, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chưa bao giờ che giấu sự ác cảm của mình đối với Mỹ.

Manila đã thông báo chấm dứt một thỏa thuận với Mỹ vốn rất cần thiết cho hoạt động của liên minh an ninh Mỹ-Philippines.

Ông Duterte có thể quyết định thay đổi lộ trình, nhưng việc ông đe dọa chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) có thể gây phương hại cho các thỏa thuận an ninh khu vực - mặc dù không nhất thiết phải làm tình hình thêm tội tệ.

[Philippines ngừng diễn tập quân sự chung với Mỹ sau khi chấm dứt VFA]

Kể từ khi trở thành tổng thống vào tháng 6/2016, ông Duterte đã khẩu chiến với Mỹ. Ông thẳng thắn tuyên bố rằng ông “không phải là người ủng hộ Mỹ” và ông muốn chấm dứt sự phụ thuộc chính sách đối ngoại của Philippines vào Mỹ.

Sau khi cựu Tổng thống Barak Obama chỉ trích chính sách ma túy của ông Duterte (tử hình những kẻ buôn bán và sử dụng ma túy không qua xét xử), ông Duterte cảnh báo “tôi sẽ chia tay với Mỹ,” đồng thời nói thêm rằng: “Tôi muốn đến với Nga và Trung Quốc.”

Ba yếu tố thúc đẩy tư duy của Duterte. Thứ nhất là do ác cảm cá nhân. Tổng thống Philippine rất nhạy cảm, phản ứng nhanh chóng trước bất kỳ chỉ trích nào của Mỹ về hồ sơ nhân quyền của ông, khiến ông nổi giận.

Một điều bất bình gần đây là việc Washington từ chối cấp visa cho Thượng nghị sỹ Ronald dela Rosa, một kiến trúc sư trong cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte. Ông cũng được cho là có ác cảm kể từ khi bị từ chối visa đến Mỹ hồi còn là sinh viên.

Việc Tổng thống Donald Trump dường như thờ ơ về các vấn đề nhân quyền có thể làm giảm một phần cọ sát, nhưng nó không đủ để thay đổi cách suy nghĩ của ông Duterte về Mỹ.

Đó có thể là kết quả của yếu tố thứ hai: Sự nghi ngờ của ông Duterte về cam kết bảo vệ Philippines của Mỹ. Trong khi Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) song phương kêu gọi hai bên “hành động để giải quyết các mối đe dọa chung,” thì có điều chưa rõ ràng là liệu nghĩa vụ đó có mở rộng ra các lãnh thổ của Philippines hay không.

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, các quan chức Mỹ đã khẳng định rằng Washington “coi Biển Đông là một phần của khu vực Thái Bình Dương” và do đó, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào “các lực lượng vũ trang, tàu thuyền hay máy bay” của Philippine sẽ được bảo vệ theo hiệp ước.

Tuy nhiên, sau đó, các quan chức Mỹ, bao gồm cả ông Obama, đã ngăn chặn, từ chối sử dụng ngôn ngữ trực tiếp mà họ từng sử dụng khi nhắc đến cam kết của Mỹ bảo vệ quần đảo Senkaku dưới quan hệ liên minh Mỹ-Nhật.

Các quan chức Philippine đã yêu cầu Mỹ phải làm rõ quan điểm của mình. Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã kêu gọi xem xét lại MDT để xác định xem liệu nó có thể áp dụng cho các lãnh thổ của Phippines ở Biển Đông hay không. Điều đó dường như đã có kết quả.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã sử dụng ngôn ngữ mà Manila tìm kiếm trong chuyến thăm của ông Pompeo đến Philippines hồi tháng 2 năm ngoái.

Quan trọng hơn là nhịp điệu mới trong hợp tác quân sự Mỹ-Philippines. Bất chấp những lời lẽ gay gắt, đến cuối năm 2018 hợp tác an ninh song phương đã trở lại mức độ trước khi ông Duterte nhậm chức, và nó đã tăng tốc sau chuyến thăm của ông Pompeo.

Hiện có hơn 300 cuộc tập trận chung hàng năm giữa hai nước. Điều đó đã khiến một số quan chức Philippines lo ngại rằng việc Mỹ nối lại cam kết có thể khiến Trung Quốc khó chịu.

Các mối quan hệ gần gũi hơn có thể ít hữu ích do yếu tố thứ ba: Ông Duterte tin rằng Trung Quốc là cường quốc có ưu thế trong khu vực. Hay như ông nói thẳng với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong một chuyến thăm đến Bắc Kinh: “Mỹ hiện tại đã thua. Tôi tôn trọng cách suy nghĩ của các ông.”

Trong khi một người phát ngôn cho tổng thống nói rằng ông Duterte “sẽ không xem xét bất cứ sáng kiến nào đến từ chính phủ Mỹ để cứu vãn VFA,” các quan chức khác cho rằng động thái này là nhằm định hướng các cuộc đàm phán về mối quan hệ với Mỹ.

Các quan chức quốc phòng và chính sách đối ngoại cấp cao khác ở Manila tin chắc rằng liên minh với Mỹ là cực kỳ quan trọng đối với an ninh của Philippines...

Nếu Manila tìm kiếm đòn bẩy, họ phải thận trọng. Mỹ đã rời bỏ Philippines trước đây: Những yêu cầu phi thực tế từ Manila trong các cuộc đàm phán về căn cứ vào đầu những năm 90 đã chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Căn cứ Không quân Clark và Vịnh Subic.

Với sự ác cảm của ông Trump đối với các quan hệ đồng minh, một lập trường cứng rắn có thể cho ông lý lẽ chấm dứt hiệp ước này.

Sự chấm dứt mối quan hệ Mỹ-Philippines hiện nay sẽ làm rung chuyển an ninh khu vực. Không có sự hiện diện ở Philippines, các lực lượng quân sự Mỹ trên đất liền gần nhất trong một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông sẽ cách xa hơn 1.600km.

Nhưng các chính phủ khác có thể nắm bắt thời cơ này để tăng cường phòng thủ: Khi Mỹ rời khỏi Philippines gần 30 năm trước, Singapore đã đề nghị Hải quân Mỹ tiếp cận các cơ sở của họ tại Changi.

Điều quan trọng không kém là nó cũng mang lại cơ hội cho Nhật Bản. Tổng thống Duterte luôn tôn trọng Nhật Bản, thực hiện các chuyến thăm hàng năm đến nước này và gọi Nhật Bản là “một người bạn khác với những người bạn khác;” ông lưu ý rằng “chúng tôi có một tình bạn đặc biệt, giá trị của nó không gì có thể so sánh được.”

Nhật Bản lâu nay là một nhà đầu tư, xuất khẩu và nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng cho Philippines. Nhật Bản đã xây dựng hoặc tài trợ phần lớn cơ sở hạ tầng của đất nước này.

Ông Duterte đã phát triển các mối quan hệ gần gũi với các doanh nghiệp Nhật Bản trong khi ông còn là thị trưởng của thành phố Davao và đã thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt với Thủ tướng Abe Shinzo - nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Philippines sau khi ông Duterte trở thành tổng thống và là người đi thăm quê hương của ông Duterte ở Davao.

Đặc biệt quan trọng là sức mạnh ngày càng tăng và khả năng phục hồi mối quan hệ an ninh giữa hai nước. Dưới thời ông Abe, Nhật Bản đã trở thành một đối tác an ninh quan trọng, đưa Manila trở thành tâm điểm trong nỗ lực xây dựng năng lực cho các quốc gia Đông Nam Á.

Nhật Bản đã tặng 24 tàu cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, cùng với máy bay do thám, đồng thời hỗ trợ thêm tiền để đào tạo, nâng cấp, bảo trì và sửa chữa.

Kể từ năm 2017, Nhật Bản đã tham gia các cuộc tập trận Balikatan chung thường niên Philippines-Mỹ. Nhật Bản có thể không thay thế Mỹ trở thành đối tác an ninh của Philippines, nhưng họ có thể đóng một vai trò ngày càng hữu ích. Chia sẻ gánh nặng và tư duy sáng tạo hơn sẽ sớm trở thành tiêu chuẩn mới cho mối quan hệ song phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục