Tổng thống Sudan Bashir giành chiến thắng với số phiếu áp đảo

Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hồi đầu tháng này với 94,5% số phiếu bầu.
Tổng thống Sudan Bashir giành chiến thắng với số phiếu áp đảo ảnh 1Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hồi đầu tháng này với 94,5% số phiếu bầu.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 27/4 ở thủ đô Khartoum, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) của Sudan, Mukhtar Al-Sam cho biết ông Bashir, ứng cử viên của đảng Đại hội Nhân dân (NCP) cầm quyền đã giành được 5.252.478 phiếu trên tổng số 6.091.412 số phiếu được kiểm, bỏ xa ứng cử viên thứ hai là Fadl el-Sayed Shuiab của đảng Sự thật Liên bang (FTP) với 79.779 phiếu, tương đương 1,43%.

Theo Chủ tịch al-Asam, đảng NCP cầm quyền cũng giành được số ghế áp đảo với 323 ghế trên tổng số 426 ghế Quốc hội. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong bốn ngày bầu cử là 46%.

Trước đó, các đảng đối lập chính đã tẩy chay bầu cử vì cho rằng cuộc bầu cử này nhằm kéo dài thời gian cầm quyền của Tổng thống Bashir, người đã giữ chức vụ này hơn 25 năm kể từ khi lên nắm quyền năm 1989 sau một cuộc đảo chính được phe Hồi giáo ủng hộ. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Bashir cam kết cải thiện nền kinh tế, duy trì ổn định.

Tham gia tranh cử Quốc hội và Hội đồng lập pháp bang lần này có 44 đảng phái, trong đó đa số là đồng minh của NCP. Cuộc bầu cử này đã vấp phải sự chỉ trích của quốc tế khi các nước như Mỹ, Anh và Na Uy tuần trước cho rằng Sudan thất bại trong việc tạo ra một môi trường bầu cử tự do và công bằng.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini nhận xét các cuộc bầu cử trên "không thể mang đến kết quả đáng tin cậy do sự thất bại của Chính phủ Sudan trong việc tổ chức đối thoại quốc gia với phe đối lập."

Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại Sudan kể từ khi miền Nam Sudan tách ra thành một quốc gia độc lập vào năm 2011, kéo theo 3/4 nguồn thu từ dầu mỏ.

Cũng từ năm 2011, xung đột xảy ra triền miên tại các bang Nam Kordofan và Blue Nile, trong khi xung đột tại Darfur từ năm 2003 vẫn chưa chấm dứt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục