Tổng thống Trump tự hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ?

Việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức đã củng cố thêm thực tế rằng về cơ bản, Tổng thống Donald Trump đang tự mình hoạch định chính sách đối ngoại cho nước Mỹ.
Tổng thống Trump tự hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: The New York Times)

Việc Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis từ chức đã củng cố thêm thực tế rằng về cơ bản, Tổng thống Donald Trump đang tự mình hoạch định chính sách đối ngoại cho nước Mỹ.

Đây là đánh giá của ông Henry Olsen - một nhà nghiên cứu cấp cao làm việc tại Trung tâm Chính sách công và đạo đức - trong bài viết mới đây đăng trên báo Washington Post.

Ông Olsen cho rằng với thông báo trên trang Twitter cá nhân về việc rút các lực lượng quân sự Mỹ khỏi Syria, Tổng thống Trump đã phát đi tín hiệu thể hiện rằng ông không hài lòng với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và chính sách đối ngoại dựa trên sự đồng thuận của hai đảng.

Trong những tháng tới, phe bảo thủ sẽ ngày càng bị chia rẽ giữa một bên là lòng trung thành với Tổng thống Trump và một bên là sự ủng hộ lâu nay của họ đối với chính sách đối ngoại dựa trên sự đồng thuận của cả hai đảng.

Sự ngờ vực của Tổng thống Trump đối với những cam kết toàn cầu của Mỹ từ lâu đã không bị che giấu. Ông đã tỏ ra nghi ngờ các thỏa thuận quốc phòng của Mỹ với các nước đồng minh ngay từ thập niên 80 của thế kỷ 20, và ông chẳng buồn che giấu sự nghi ngờ đó trong chiến dịch tranh cử. Có vẻ như hiện ông đã sẵn sàng hành động dựa theo bản năng lâu nay của mình.

Mặc dù chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của chủ nghĩa tân bảo thủ, niềm tin của ông Trump gợi nhắc tới chủ nghĩa cộng hòa trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Khi đó, đảng Cộng hòa ủng hộ việc hạn chế nhập cư, thuế quan và không để Mỹ can dự vào các cuộc xung đột ở nước ngoài.

Ba điểm khác biệt quan trọng nhất của ông Trump đối với đảng Cộng hòa hiện nay thực chất lại chính là sự trở lại đối với tính chính thống trước đây của đảng Cộng hòa.

Chính sách đối ngoại mới “trở lại với tương lai” thường xuyên được nhắc tới. Một bài báo của New York Times đã đưa ra nhiều chi tiết về cuộc họp ông Mattis chủ trì hồi tháng 7/2017 tại Lầu Năm Góc. Theo bài báo này, ông Trump đã bình tĩnh lắng nghe khi ông Mattis và những người khác giải thích về mạng lưới các hiệp hội, liên minh quân sự và kinh tế của Mỹ. Khi họ nói xong, ông Trump đã đáp lại: “Đó chính xác là những điều tôi không mong muốn."

Nhiều người Mỹ bảo thủ và cả những người lao động chân tay, có thể sẽ đồng tình với ông Trump. Sự thất bại tại Iraq, cuộc xung đột kéo dài 17 năm tại Afghanistan và gần 20 năm liên tục can dự quân sự của Mỹ đã khiến nhiều người bất mãn. Hàng nghìn tỷ USD đã được chi ra, hàng nghìn người thiệt mạng. Khi Tổng thống Trump chất vấn về chính sách đối ngoại bảo thủ này, ông ấy không hề đơn độc.

[Trung Quốc chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis]

Tác giả Oslen không cho rằng ông Trump đã hành động đúng về vấn đề Syria, bởi Nga hiện đang trực tiếp có liên quan tới khu vực này. Không đồng minh nào của Mỹ dám mạo hiểm đối đầu quân sự với “gấu” Nga, điều đó giúp ông Putin có thêm sự tự tin để chuyển từ việc dùng quân đội Nga để hậu thuẫn cho chính phủ Syria và chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) sang việc gây áp lực lên các đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng câu hỏi mà ông Trump đặt ra đối với chính sách đối ngoại của Mỹ là câu hỏi sai.

Mỹ đã xây dựng một mạng lưới can dự trên toàn cầu. Kiến trúc này được xây dựng dựa trên nhận thức rằng nếu không từ bỏ chủ nghĩa biệt lập truyền thống của mình, an ninh của Mỹ sẽ chịu sự đe dọa từ một cường quốc hung hăng có ý định thống trị toàn cầu. Sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết đã khiến lý do biện minh này không còn nữa, tuy nhiên “thói quen cũ khó bỏ," và các nước đồng minh của Mỹ ngày càng phụ thuộc vào sức mạnh của Mỹ.

Bối cảnh hiện nay đã thay đổi. Sức mạnh của kẻ thù ngày càng tăng lên so với những năm 1990. Sức mạnh kinh tế của Mỹ lại đang suy giảm do toàn cầu hóa và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi đó, các nước đồng minh của Mỹ đã trở nên giàu có hơn cách đây 70 năm.

Tác giả Olsen đặt câu hỏi: “Vậy đâu mới là điều đúng đắn trong lúc này?.” Ông Olsen không ủng hộ sự phản đối thẳng thắn của Tổng thống Trump đối với trật tự thế giới sau chiến tranh, song ông cho rằng những câu hỏi mà ông Trump đưa ra thường là đúng. Các đồng minh của Mỹ cần làm nhiều hơn nữa. Cần ít sử dụng tới quân đội Mỹ. Tuy nhiên, quân đội Mỹ cần tăng cường sự sẵn sàng chiến đấu để có thể tham gia những cuộc chiến thực sự, có quy mô lớn, mà không phải lo ngại rằng Mỹ không có đủ máy bay, tàu chiến và máy móc khi cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục