Tổng thống Ukraine tới Nga tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính

Tổng thống Ukraine tới Nga để tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính trong lúc nền kinh tế đất nước đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich ngày 17/12 đã tới Nga để tìm kiếm sự hỗ trợ từ quốc gia láng giềng, trong lúc nền kinh tế đất nước đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo nhận định của giới phân tích, sự trợ giúp nếu có mà Tổng thống Nga Vladimir Putin dành cho Ukraine, một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Âu, có thể là một sự kết hợp giữa việc cấp tín dụng với các cam kết đầu tư và sự nhất trí giảm giá năng lượng, đặc biệt là khí đốt.

Theo ông Andrei Belousov, cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga, nếu không có các khoản vay thì đơn giản là Ukraine sẽ không thể duy trì được sự ổn định kinh tế. Ông nói không loại trừ khả năng một khoản tín dụng sẽ được cấp cho Ucraine nếu nước này đề nghị.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nga xác nhận cuộc thương lượng về vấn đề này đang được tiến hành.

Ông Belousov không cho biết số tiền mà Nga sẵn sàng chi cho Ukraine, song các nguồn tin ở Ukraine nói rằng thỏa thuận có thể trị giá 15 tỷ USD, trong đó trước mắt sẽ là 3-5 tỷ USD. Ngoài các khoản vay, Ukraine đang muốn được giảm giá khí đốt mua của Nga từ mức 400 USD/1.000m3 hiện nay để có thể giảm gánh nặng nợ nần. Theo các nguồn tin từ Kiev, mức giảm giá ít nhất có thể là 10-15%.

Nếu không có tiền mặt và không được giảm giá khí đốt, tình hình tài chính công của Ukraine sẽ càng trở nên bấp bênh và có thể đưa nước này tới chỗ bị vỡ nợ trong năm tới.

Phó Thủ tướng thứ nhất Serhiy Arbuzov đầu tháng này nói rằng Ukraine cần khoảng 10 tỷ USD để trả nợ. Trong khi đó, nguồn dự trữ của Ngân hàng Trung ương cho đến ngày 1/12 chỉ còn 18,8 tỷ USD, giảm 1/4 so với một năm trước.

Ukraine đã hy vọng có thể nhận được khoản vay 15 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 3 năm sau để thanh toán nợ nước ngoài. Tuy nhiên, những yêu cầu IMF đưa ra là Ukraine phải phá giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu, cân đối ngân sách và tăng giá điện sinh hoạt. Những yêu cầu như vậy phải cần có thời gian mới cho thấy tác động tích cực đến nền kinh tế và môi trường đầu tư, nhưng thời gian là một điều xa xỉ đối với Tổng thống Yanukovich.

Trong khi đó, sau khi Ukraine trong tháng trước đã từ chối ký hiệp định liên kết thương mại và chính trị với Liên minh châu Âu (EU), ở châu Âu hiện đang tồn tại những luồng quan điểm đối lập xung quanh vấn đề liên kết với nước này.

Trong khi ông Stefan Fuele, Cao ủy EU phụ trách vấn đề mở rộng khối, cuối tuần qua nói rằng EU đã khối này đã dừng làm về hiệp định với Ukraine vì nước này đã không đưa ra được cam kết rõ ràng, thì các bộ trưởng ngoại giao EU sang đầu tuần này cho biết cửa vẫn mở với Ukraine ngay khi nước này sẵn sàng và đáp ứng các điều kiện cần thiết.

Có những thông tin nói rằng Ukraine đã đưa ra điều kiện là EU phải hỗ trợ tài chính 20 tỷ euro để bù lại những thiệt hại khi ký thỏa thuận liên kết với EU. EU đưa ra khả năng tăng hỗ trợ và trợ giúp quá trình thương lượng với IMF về một khoản vay dành cho Ukraine nếu nước này tỏ rõ quyết tâm ký thỏa thuận, song Ukraine đã không có hồi đáp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục