Tổng thống Venezuela Maduro sẵn sàng đối thoại với phe đối lập

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro một lần nữa khẳng định sẵn sàng mở các kênh đối thoại với tất cả các thành phần chính trị của phe đối lập quan tâm tới việc bảo vệ sự ổn định chính trị.
Tổng thống Venezuela Maduro sẵn sàng đối thoại với phe đối lập ảnh 1Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Nguồn: Al Jazeera)

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro một lần nữa khẳng định sẵn sàng mở các kênh đối thoại với tất cả các thành phần chính trị của phe đối lập quan tâm tới việc bảo vệ sự ổn định chính trị, mong muốn cùng chung sống trong hòa bình tại quốc gia Nam Mỹ này.

Trong một thông điệp được đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày 19/9, nhà lãnh đạo Venezuela cho rằng đây là con đường duy nhất để giải quyết những khác biệt giữa các bên.

Ông đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ sự thật về tình hình đất nước trước làn sóng chỉ trích của các tập đoàn truyền thông.

Trước đó 3 tháng, Tổng thống Maduro đã tái khẳng định việc sẵn sàng đối thoại với phe đối lập, chừng nào phe này chấm dứt tình trạng bạo lực. Ông nêu rõ cánh cửa đàm phán vẫn để ngỏ đối với những ai chọn lựa con đường hòa bình và hòa giải.

[Các nước Mỹ Latinh phản đối can thiệp quân sự vào Venezuela]

Tổng thống Maduro nhấn mạnh chính quyền sẵn sàng hướng tới đối thoại thẳng thắn, chân thành và mang tính xây dựng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế của nước này.

Trong những năm gần đây, chính phủ và phe đối lập ở Venezuela đã từng cùng nhau tham gia hai tiến trình đối thoại, một lần vào năm 2016 ở Caracas và lần thứ hai vào cuối năm 2017. Cả hai tiến trình đều thất bại do các bên không tìm được tiếng nói chung trong những bất đồng lớn.

Venezuela đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế trầm trọng. Kể từ khi Tổng thống Maduro đắc cử lần đầu tiên năm 2013 và kế tục di sản mà nhà lãnh đạo cánh tả Hugo Chavez để lại, các hoạt động chống phá hòng lật đổ chính quyền, phá hoại công cuộc cách mạng Bolivar cũng không ngừng gia tăng.

Phe cánh hữu ở Venezuela, với sự kích động từ bên ngoài, đã phát động hàng loạt cuộc biểu tình bạo động, khiến tình hình xã hội ở quốc gia Nam Mỹ này rơi vào tình trạng bất ổn trong nhiều tháng.

Không chỉ có vậy, các thế lực thù địch sau đó đã tiến hành hàng loạt chiến dịch phá hoại nền kinh tế và ổn định xã hội, từ hoạt động như phá hoại các nhà máy và hệ thống phân phối điện; đầu cơ, tích trữ quy mô lớn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường, cho tới tuồn trái phép đồng nội tệ Bolivar với số lượng lớn ra nước ngoài, gây khan hiếm tiền mặt ở trong nước hòng gây hỗn loạn thị trường tài chính tiền tệ.

Mặc dù cơ quan chức năng Venezuela đã đấu tranh quyết liệt với những âm mưu phá hoại này, song cuộc chiến kinh tế mà các thế lực thù địch tiến hành đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Venezuela, vốn đã lâm vào khủng hoảng do giá dầu mỏ - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này - giảm mạnh.

Âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong nước, kết hợp với các biện pháp đe dọa, gây sức ép từ bên ngoài, là một trong những nguyên nhân đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục