Tổng thống Yemen yêu cầu chuyển địa điểm đàm phán hòa bình

Ngày 23/2, Tổng thống Yemen Mansour Hadi đã yêu cầu chuyển địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán về khủng hoảng chính trị ở bên ngoài thủ đô Sanaa.
Tổng thống Yemen yêu cầu chuyển địa điểm đàm phán hòa bình ảnh 1Người dân Yemen biểu tình phản đối phong trào Hồi giáo Houthi khi Tổng thống Mansour Hadi rời khỏi tư gia sau nhiều tuần bị quản thúc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hai ngày sau khi thoát khỏi sự quản thúc tại gia của phiến quân Hồi giáo Houthi, ngày 23/2, Tổng thống Yemen Mansour Hadi đã yêu cầu chuyển địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán về khủng hoảng chính trị ở bên ngoài thủ đô Sanaa.

Trong cuộc điện đàm với Đặc phái viên Liên hợp quốc Jamal Benomar, Tổng thống Hadi bày tỏ mong muốn duy trì các cuộc thương lượng hiện nay, đồng thời yêu cầu chuyển cuộc đàm phán tới “một nơi an toàn.”

Tổng thống Hadi cũng hoan nghênh nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 16/2 yêu cầu Houthi rút quân và chấm dứt các hành động đơn phương.

Cùng ngày, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tuyên bố việc ông Hadi thoát khỏi tình trạng quản thúc tại gia "là một bước quan trọng nhằm khẳng định sự hợp pháp của ông," đồng thời kêu gọi người dân Yemen ủng hộ Tổng thống thực hiện các nhiệm vụ hiến định nhằm chấm dứt tình trạng nguy hiểm tại Yemen hiện nay do Houthi gây ra.

GCC cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ chính quyền hợp pháp tại Yemen và coi mọi biện pháp mà Houthi áp đặt là vô hiệu và bất hợp pháp.

Trong một diễn biến mới nhất, phiến quân Houthi dọa bắt giữ và xét xử Thủ tướng Khaled Bahah cùng toàn bộ thành viên Nội các vì "tội phản quốc" nếu họ từ chối quay lại làm việc.

Trước đó một ngày, phiến quân Houthi ra lệnh cho ông Bahah và các thành viên Nội các trở lại làm việc, song họ đã từ chối. Thủ tướng Bahah và các thành viên Nội các hiện đang bị Houthi quản thúc tại gia từ tháng 1/2015, sau khi họ từ chức tập thể nhằm phản đối Houthi tiếm quyền.

Yemen rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ tháng 9/2014, khi phiến quân Houthi tiến đánh và chiếm thủ đô Sanaa, đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến và tạo điều kiện cho các nhánh khủng bố al-Qaeda gia tăng hiện diện trong các bộ lạc người Hồi giáo Sunni ở Yemen, cũng như viễn cảnh miền Nam nước này đòi ly khai.

Do lo ngại tình trạng an ninh ở Yemen, nhiều nước như Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Anh và Hà Lan, Tây Ban Nha, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định đóng cửa Đại sứ quán tại Yemen.

Mới nhất, ngày 23/2, Ai Cập đã đóng cửa Đại sứ quán của mình tại Sanaa do tình trạng an ninh ở đây tiếp tục xấu đi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục