Tổng thống Zimbabwe cam kết hồi sinh nền kinh tế đang kiệt quệ

Ông Mnangagwa đưa ra cam kết trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời chỉ trích về tình trạng siêu lạm phát, thiếu điện và nhiên liệu trầm trọng tại quốc gia miền Nam châu Phi này.
Phân phát khẩu phần ăn bánh mỳ cứu trợ của WFP tại một gia đình ở Binga, Zimbabwe. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phân phát khẩu phần ăn bánh mỳ cứu trợ của WFP tại một gia đình ở Binga, Zimbabwe. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/10, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã kêu gọi sự kiên nhẫn của người dân trong quá trình chính phủ tiến hành vực dậy nền kinh tế đang trong tình trạng kiệt quệ.

Lời kêu gọi của ông Mnangagwa được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời chỉ trích về tình trạng siêu lạm phát, thiếu điện và nhiên liệu trầm trọng tại quốc gia miền Nam châu Phi này.

Trong buổi lễ đọc thông điệp quốc gia trước Quốc hội cùng ngày, Tổng thống Mnangagwa thừa nhận nền kinh tế nước này thực sự "đã chết" và bày tỏ sự chia sẻ những khó khăn mà người dân nước này đang phải đối mặt hàng ngày.

Ông Mnangagwa cho rằng để vực dậy nền kinh tế đòi hỏi thời gian, do đó cần sự kiên nhẫn cũng như đồng lòng giữa người dân và chính phủ.

Từng được coi là vựa lúa mỳ của châu Phi, Zimbabwe đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng buộc hàng triệu người phải di cư.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo lạm phát trong tháng Tám vừa qua tại Zimbabwe đã tăng vọt lên mức gần 300%, làm dấy lên nguy cơ quốc gia miền Nam châu Phi quay trở lại tình trạng siêu lạm phát như những năm 2000. IMF hối thúc chính phủ nước này khẩn trương triển khai các chính sách thiết thực nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bất ổn kinh tế.

[Zimbabwe có nguy cơ quay lại siêu lạm phát như những năm 2000]

Liên hợp quốc hôm 27/9 vừa qua cũng đã bày tỏ lo ngại về tình trạng kinh tế tiếp tục suy thoái nghiêm trọng tại Zimbabwe kể từ khi Tổng thống Emmerson Mnangagwa lên nắm quyền hồi cuối năm 2017.

Sau chuyến thăm Zimbabwe, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc Clement Nyaletsossi ghi nhận “sự suy giảm đáng kể của môi trường chính trị, kinh tế-xã hội kể từ tháng 8/2018, dẫn đến sự sợ hãi, thất vọng và lo lắng của phần lớn người dân."

Được kỳ vọng sẽ bước vào thời kỳ chuyển đổi khi nhà lãnh đạo Robert Mugabe bị quân đội lật đổ sau 37 năm cầm quyền, tuy nhiên, đến nay quốc gia 16 triệu dân này vẫn phải vật lộn với muôn vàn khó khăn khi Tổng thống Mnangagwa nhậm chức trong bối cảnh đất nước bị tê liệt bởi siêu lạm phát và các cuộc đàn áp chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục