Tổng Thư ký Jens Stoltenberg: NATO không tìm cách cô lập Nga

Liên quan đến quan hệ căng thẳng với Nga, Tổng Thư ký Stoltenberg bày tỏ NATO không tìm cách cô lập Nga mà vẫn tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moskva.
Tổng Thư ký Jens Stoltenberg: NATO không tìm cách cô lập Nga ảnh 1Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Nguồn: Canadian Press)

Ngày 4/4, Tổng Thư ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã tới thăm Canada, đúng dịp kỷ niệm 69 năm thành lập liên minh quân sự này.

Ông đã có cuộc hội đàm tích cực với Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau tại thủ đô Ottawa về một loạt vấn đề của NATO.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm kín, Thủ tướng Trudeau và Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh vai trò quan trọng của NATO và những dấu mốc quan trọng của liên minh quân sự này trong 69 năm qua với sự đóng góp của các nước thành viên, trong đó có Canada với vai trò là một trong những thành viên sáng lập.

Hai bên nhất trí cho rằng thế giới hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức và bất ổn, đòi hỏi các nước phải hợp tác, đối thoại và nhanh chóng tìm kiếm các biện pháp thích ứng.

Liên quan đến quan hệ căng thẳng với Nga và các biện pháp trừng phạt gần đây sau vụ cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh, Tổng Thư ký Stoltenberg bày tỏ NATO không tìm cách cô lập Nga mà vẫn tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moskva.

[Nga: OPCW bị cuốn vào trò chơi chính trị của Anh và đồng minh]

Đề cập việc NATO trục xuất 7 nhà ngoại giao Nga bất chấp không có đầy đủ chứng cứ về sự liên quan của Nga với vụ đầu độc nói trên, ông Stoltenberg cho biết quyết định được đưa ra không chỉ là phản ứng đối với riêng vụ việc này, mà còn xuất phát từ những lo ngại của NATO trước những can dự của Nga tại Đông Ukraine và Syria.

Căng thẳng với Nga là một trong những mối quan tâm lớn nhất của NATO hiện nay và điều này được thể hiện rất rõ trong chuyến thăm Canada lần này của nhà lãnh đạo NATO.

Tuy nhiên, có một thông điệp chung được cả hai bên đưa ra là mong muốn xây dựng một thế giới hòa bình và ổn định hơn, trong đó các nước sẽ có đủ năng lực chống lại các mối đe dọa trên mạng và các cuộc xung đột trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục