Tổng thư ký LHQ lên án thảm sát mới nhất tại Syria

Ngày 27/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon đã lên án mạnh mẽ vụ thảm sát mới nhất ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria.
Ngày 27/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên án mạnh mẽ vụ thảm sát mới nhất ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria, đồng thời yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra mang tính độc lập và ngay lập tức về vụ việc này.

Một phát ngôn viên của ông Ban Ki-moon cho biết Tổng thư ký Liên hợp quốc "thực sự sốc" trước thông tin về vụ thảm sát ở thị trấn Daraya và kịch liệt lên án hành động đẫm máu này. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh cần phải lập tức tiến hành điều tra một cách khách quan và thỏa đáng, quy trách nhiệm thủ phạm vụ thảm sát.

Thông tin về vụ thảm sát ở Daraya xuất hiện ngày 26/8 khi các nhà hoạt động nói rằng ở thị trấn phía Tây Nam Damascus mà quân chính phủ mới giành lại quyền kiểm soát này, người ta tìm thấy gần 350 thi thể bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, phần lớn bị sát hại theo kiểu hành hình.

Phe đối lập cáo buộc quân chính phủ gây ra vụ thảm sát trên khi tấn công chiếm lại thị trấn, trong khi hãng thông tấn quốc gia Syria SANA khẳng định chính lực lượng chống đối là thủ phạm. Thị trấn Daraya tập trung đông đảo người Hồi giáo dòng Sunni với số dân khoảng 200.000 người, được xem là một "căn cứ" của những đối tượng chống đối chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Thủ đô Damascus trở lại là điểm nóng an ninh khi quân chính phủ được cho là đang mở một mặt trận mới ở phía Đông thành phố, nơi tập trung nhiều nhóm chống đối. Lực lượng chống đối "Quân đội Syria tự do" (FSA) ngày 27/8 tuyên bố bắn hạ một trực thăng quân sự ở quận Qaboon, nơi đang xảy ra giao tranh quyết liệt giữa hai bên.

Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (trụ sở tại Anh), ở quận Giuba (Jubar) phía Đông Damascus cũng như một số thị trấn ngoại ô thủ đô cũng có đụng độ dữ dội và các đợt pháo kích của quân chính phủ. Theo các nguồn tin chưa được kiểm chứng, có tới 60 người thiệt mạng vì bạo lực ở ngoại ô Damascus.

Còn theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria, trong ngày 27/8 có ít nhất 148 người thiệt mạng trên khắp Syria. Kể từ khi khủng hoảng bùng phát ở quốc gia Trung Đông này hồi tháng Ba năm ngoái, số người thiệt mạng được cho là đã lên tới 25.000 người và Liên hợp quốc ước tính ít nhất 200.000 người Syria đã phải chạy sang các nước láng giềng lánh nạn.

Trong bối cảnh ngọn lửa bạo lực vẫn lan rộng, Phó Tổng thống Syria Farouq al-Shara ngày 27/8 nhấn mạnh rằng Syria đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng phù hợp với kế hoạch hòa bình từng được cựu đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL), ông Kofi Annan khởi xướng.

Theo một tuyên bố từ Văn phòng Phó Tổng thống, phát biểu với một phái đoàn Iran thăm Syria ngày 25/8, ông Shara nhấn mạnh cuộc khủng hoảng ở Syria cần được giải quyết mà không kèm theo những điều kiện tiên quyết, thông qua chấm dứt mọi hình thức bạo lực của tất cả các bên và bắt tay vào một cuộc đối thoại dân tộc.

Phó Tổng thống Shara cũng cho biết Syria chấp nhận sáng kiến của Iran, dự kiến sẽ được thảo luận tuần này tại hội nghị Phong trào Không liên kết (NAM) tổ chức ở thủ đô Tehran của Iran.  Phó Tổng thống Syria cũng đánh giá tích cực về sáng kiến của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đề xuất thành lập một nhóm liên lạc bộ tứ gồm Ai Cập, Iran, Arập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 27/8, Tổng thống Ai Cập Morsi đã nhấn mạnh giờ là thời điểm cần chấm dứt bạo lực đẫm máu ở Syria, cho rằng chế độ hiện nay ở Damascus đã đến lúc kết thúc. Trong tuần này, Tổng thống Morsi thăm Trung Quốc và Iran, hai nước cùng với Nga vẫn luôn phản đối sức ép của phương Tây buộc Tổng thống Syria Asaad từ bỏ quyền lực.

Trong một động thái khác từ phương Tây, ngày 27/8, Tổng thống Pháp Francois Hollande hối thúc lực lượng chống đối ở Syria thành lập chính phủ lâm thời trong thời gian sớm nhất có thể, đồng thời tuyên bố Paris sẽ công nhận chính phủ lâm thời ngay sau khi thành lập.

Ông Hollande cũng xác nhận rằng Pháp đang làm việc với các đối tác về khả năng thiết lập các vùng đệm ở Syria, một ý tưởng do Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất. Ông cũng cảnh báo rằng nếu chế độ hiện nay ở Syria sử dụng vũ khí hóa học thì đó sẽ là một lý do hợp pháp cho hành động can thiệp trực tiếp từ bên ngoài./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục