Tổng Tư lệnh Ai Cập kêu gọi sớm chuyển tiếp chính trị

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi ngày 1/10 kêu gọi đẩy nhanh tiến trình chuyển tiếp chính trị.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi ngày 1/10 đã kêu gọi đẩy nhanh tiến trình chuyển tiếp chính trị nhằm khôi phục ổn định sau cuộc chính biến hôm 3/7 vừa qua lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi.

Theo thông tin đăng tải trên trang Facebook chính thức của người phát ngôn quân đội, phát biểu tại một cuộc hội thảo có sự tham dự của các sỹ quan quân đội và cảnh sát, Tướng al-Sisi đã "kêu gọi mọi người thực sự nhận thức về vấn đề mà xã hội đang phải đối mặt và nhấn mạnh sự cần thiết đẩy nhanh tiến độ của giai đoạn chuyển tiếp."

Sau làn sóng biểu tình chống chính phủ hôm 30/6 vừa qua thu hút hàng triệu người tham gia, Tướng al-Sisi đã tuyên bố đình chỉ Hiến pháp, ra lệnh phế truất Tổng thống Mohamed Morsi, thành lập chính phủ lâm thời và công bố lộ trình chuyển tiếp chính trị bao gồm sửa đổi hiến pháp, tổ chức bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội.

Hôm 28/9 vừa qua, phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Ai Cập Nabil Fahmy tuyên bố giai đoạn chuyển tiếp ở nước này sẽ kết thúc vào "mùa Xuân tới" và giới lãnh đạo được bổ nhiệm sau khi quân đội lật đổ ông Morsi hồi tháng Bảy vừa qua sẽ được thay thế. Ông Fahmy nêu rõ Ai Cập đã hoàn tất việc soạn thảo cơ sở luật pháp, trong đó lấy tự do và dân chủ làm nền tảng để quản lý và điều hành đất nước.

Trong diễn biến liên quan, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton ngày 1/10 đã tới Cairo bắt đầu chuyến thăm 3 ngày nhằm tiếp tục các nỗ lực trung gian hòa giải giữa Chính phủ lâm thời Ai Cập được quân đội hậu thuẫn và tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi.

Dự kiến, trong chuyến công du thứ ba này tới Ai Cập kể từ cuối tháng Bảy vừa qua, bà Ashton sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính quyền lâm thời, trong đó có Tổng thống Adly Mansour, Thủ tướng Hazem El-Beblawi, Bộ trưởng Quốc phòng Fattah al-Sisi, Ngoại trưởng Nabil Fahmy, một số thủ lĩnh của MB, các lãnh đạo của Đảng Salafist Nour, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi hiến pháp Amr Moussa; đồng thời nghiên cứu sáng kiến hòa giải của Phó Thủ tướng Ziad Bahaa el-Din.

Nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu dự kiến sẽ đưa ra đề xuất theo đó chấm dứt ngay lập tức tình trạng khẩn cấp, tạo điều kiện cho tất cả các chính đảng tham gia tiến trình chính trị và đảm bảo quyền con người.

Trong khi đó, một nguồn tin của MB cho rằng chuyến thăm của bà Ashton sẽ mang lại "tiến bộ lớn" cho các nỗ lực hòa giải, đồng thời tiết lộ rằng phong trào Hồi giáo này sẽ chấp nhận sáng kiến do chính bà Ashton đề xuất trong chuyến thăm Cairo vào cuối tháng Bảy vừa qua. Theo đó, MB sẽ công nhận lộ trình chuyển tiếp do người đứng đầu các lực lượng vũ trang công bố sau khi ra lệnh phế truất ông Morsi, tái tham gia đời sống chính trị, lên án các cuộc tấn công của các nhóm Hồi giáo cực đoan nhằm vào lực lượng quân đội và cảnh sát tại Bán đảo Sinai. Đổi lại, chính quyền lâm thời sẽ phải phóng thích các thành viên của MB, xét xử công bằng đối với những người có tội, dỡ bỏ lệnh phong tỏa tài sản của phong trào này.

Nhật báo Al Ahram do chính phủ quản lý cho biết hai đại diện của MB là cựu Bộ trưởng Phát triển địa phương Mohamed Bishr và cựu Bộ trưởng kế hoạch và Hợp tác quốc tế Amr Darrag sẽ có cuộc gặp với bà Ashton vào ngày hôm nay 2/10 và sẽ yêu cầu chính quyền chấm dứt chiến dịch trấn áp, phóng thích và hủy bỏ cáo buộc chống lại các thủ lĩnh cấp cao và các thành viên của MB đang bị giam giữ. Đổi lại, phong trào Hồi giáo này sẽ chấm dứt các cuộc biểu tình hiện nay.

Ngày 29/9 vừa qua, Phó thủ lĩnh MB Essam El-Erian - người hiện đang bị truy nã với cáo buộc kích động bạo lực - đã kêu gọi đối thoại dựa trên lộ trình do ông Morsi đề xuất trước khi bị lật đổ, trong đó có việc sửa đổi hiến pháp và tổ chức bầu cử quốc hội trước cuối năm nay. Ông El-Erian cũng ngụ ý rằng việc phục chức cho ông Morsi vẫn là điều kiện để tổ chức các cuộc đàm phán thành công.

Trong diễn biến liên quan, phiên tòa phúc thẩm liên quan đến việc giải tán và phong tỏa tài sản của mọi tổ chức liên quan đến MB theo phán quyết ngày 23/8 vừa qua của Tòa án Cairo về các vấn đề cấp bách dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 22/10 tới. Theo một nguồn tin tư pháp, một luật sư đồng thời là thành viên của MB đã nộp đơn kháng cáo phán quyết nói trên vào ngày 1/10.

Tuy nhiên, ông Mamdouh Ahmed, luật sư của Liên minh quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do MB dẫn đầu và quy tụ 33 chính đảng và phong trào đang đấu tranh đòi phục chức cho ông Morsi - cho biết MB sẽ không kháng cáo phán quyết nói trên mà sẽ nộp đơn yêu cầu một "tòa án không thiên vị khác" xem xét lại vụ kiện này.

Cũng trong ngày 1/10, hàng trăm người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi đã tổ chức biểu tình tại quảng trường Tahrir ở trung tâm Cairo lần đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Hồi giáo này bị phế truất.

Theo tờ Al Ahram, đụng độ đã nhanh chóng nổ ra giữa những người biểu tình và đám đông đối lập gồm các chủ cửa hàng và những người bán hàng trong trong khu vực. Cảnh sát buộc phải can thiệp để giải tán cuộc ẩu đả và bắt giữ một số người biểu tình.

Trước đó, trang Facebook chính thức của Đảng Tựu do và Công lý - nhánh chính trị của MB - thông báo nhóm "Thanh niên chống lại đảo chính" sẽ tổ chức biểu tình tại quảng trường Talaat Harb - cách quảng trường Tahrir - trung tâm của làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào đầu năm 2011 và chính quyền kế nhiệm của ông Morsi vào cuối tháng Sáu vừa qua - khoảng 1km.

Cùng ngày, đụng độ bạo lực đã nổ ra giữa các sinh viên ủng hộ và phản đối ông Morsi tại Đại học Mansoura tại tỉnh Daqahliyah thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile  khiến nhiều người bị thương và hai xe ôtô bị phá hủy.

Kể từ ngày khai giảng 21/9 vừa qua, các cuộc biểu tình, tuần hành, bãi khóa ủng hộ ông Morsi và phản đối "đảo chính quân sự" đã nổ ra tại hàng loạt trường đại học trên khắp Ai Cập. Hôm 29/9, ít nhất 29 người bị thương trong các cuộc đụng độ bạo lực bằng súng và bom xăng giữa các nhóm sinh viên có quan điểm khác biệt về cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục