Tổng tuyển cử Italy thu hút sự quan tâm của dư luận

Cuộc bầu cử Quốc hội Italy là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới Khu vực đồng tiền chung Châu Âu.
Sau một năm dưới sự chèo lái của chính phủ kỹ trị do ông Mario Monti đứng đầu, Italy đã tạm thời đẩy lùi được nguy cơ vỡ nợ công và lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nền kinh tế của đất nước hình chiếc ủng mà cách đây ít lâu từng đe dọa kéo cả Liên minh Châu Âu (EU) rơi vào vòng xoáy khủng hoảng với gánh nợ công gần 2.000 tỷ euro của mình vẫn đang suy thoái, tình trạng thất nghiệp không được cải thiện, nhiều người dân cảm thấy mệt mỏi về chính sách khắc khổ của chính phủ.

Điều này khiến một số nhân vật vốn có quan điểm muốn nới lỏng chính sách "thắt lưng buộc bụng" đang tận dụng thời cơ để quay trở lại chính trường.

Cuộc bầu cử Quốc hội Italy vào ngày 24 và 25/2 tới là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận bởi nó không chỉ liên quan đến người dân nước này mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai gần của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu.

Vào ngày diễn ra tổng tuyển cử, cử tri Italy dự kiến sẽ đi bỏ phiếu từ 8 giờ sáng cho đến 22 giờ đêm ngày 24/2 và từ 7 giờ sáng đến 15 giờ chiều ngày 25/2. Ngoài ra, cử tri tại các vùng Lombardy, Lazio và Molise của Italy trong hai ngày này cũng đi bỏ phiếu bầu hội đồng vùng.

Hiện Italy có hơn 60 triệu dân, trong đó có khoảng hơn 47 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn tham gia bỏ phiếu bầu cử Quốc hội Italy năm 2013. Trong số này, lượng cử tri tham gia bỏ phiếu Thượng viện có hơn 43 triệu người.

Theo luật bầu cử Italy hiện hành, tính đến ngày 24/2/2013, người dân Italy đủ 18 tuổi mới có quyền tham gia bỏ phiếu Hạ viện để bầu ra 618 đại biểu, trong khi những người từ 25 tuổi trở lên mới có quyền bỏ phiếu Thượng viện để bầu ra 309 đại biểu (cộng thêm khoảng 7 thượng nghị sỹ trọn đời không phải bầu).

Ngoài ra còn có gần 3,6 triệu cử tri người Italy đang sống ở nước ngoài đủ tiêu chuẩn tham gia tổng tuyển cử, đủ tư cách để bầu 12 đại biểu Hạ viện. Trong số gần 3,6 triệu cử tri này có hơn 3,2 triệu cử tri có quyền bầu 6 đại biểu Thượng viện. Như vậy, trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013, hơn 50,7 triệu cử tri trong và ngoài nước Italy sẽ tham gia bỏ phiếu để bầu ra 630 hạ nghị sỹ và 315 thượng nghị sỹ.

Cơ chế bầu cử hiện tại của Italy quy định, lãnh đạo các đảng có quyền chỉ định ứng cử viên của họ vào một danh sách cố định xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới và tiếp đó danh sách này được đem ra để bỏ phiếu. Kết quả là các ứng cử viên cụ thể không cần phải vận động nhiều ở các khu vực bầu cử, mà họ chỉ cần vận động trong đảng để được xếp vào vị trí cao trong những danh sách sẽ được đưa ra bỏ phiếu.

Theo luật bầu cử của Italy, cử tri sẽ dùng thẻ màu xanh đối với bầu chọn Hạ viện và dùng thẻ màu vàng để bầu chọn Thượng viện. Cử tri sẽ bỏ phiếu một lần cho Hạ viện, một lần cho Thượng viện và sẽ đánh dấu vào một danh sách các đảng hoặc liên minh mà mình tín nhiệm. Cử tri không thể bỏ phiếu cho riêng lẻ từng cá nhân ứng viên một, và đây chính là điểm hạn chế của Luật bầu cử hiện hành bị dư luận rộng rãi chỉ trích do cử tri không thể bỏ phiếu cho riêng những ứng cử viên mà mình ủng hộ mà phải bỏ phiếu cho cả danh sách của các đảng.

Điểm chú ý về bầu cử Thượng viện, Italy chia thành 20 vùng, bầu ra 315 thượng nghị sỹ. Số lượng đại biểu của một vùng được phân chia theo tỷ lệ dân số vùng đó, vùng nào có dân số đông sẽ được phân bổ nhiều ghế hơn. Một Đảng hoặc liên minh chính đảng nào giành được kết quả đa số trong cuộc bầu cử Thượng viện tại một vùng sẽ tự động được phân bổ ít nhất 55% số ghế thượng nghị sỹ của vùng đó.  Tại mỗi vùng bầu cử Thượng viện, mỗi đảng tranh cử độc lập phải giành được ít nhất 8% số phiếu và mức này đối với một liên minh là 20%

Tiếp đó, một đảng trong liên minh phải giành được ít nhất 3% số phiếu mới có ghế trong Thượng viện. Các khu vực bầu cử quan trọng, mang tính quyết định đa số tại Thượng viện Italy là Vùng Lombardy (49 ghế trong Thượng viện), Veneto (24 ghế), Campania (29 ghế) và Sicily (25 ghế).

Đối với bầu cử Hạ viện, Italy chia ra làm 26 khu vực bầu cử. Một đảng không nằm trong liên minh phải giành được ít nhất 4% số phiếu bầu mới có đại biểu trong Hạ viện. Còn một liên minh phải giành được 10% mới có đại biểu trong Hạ viện và mỗi đảng trong liên minh phải giành được ít nhất 2% số phiếu bầu - ngoại trừ đảng đứng đầu danh sách liên minh, mới có ghế trong Hạ viện.

Nếu một liên minh muốn chiến thắng trong bầu cử Hạ viện thì phải giành được 340 trên tổng số 618 ghế (tương đương khoảng 54%) nhằm bảo đảm khả năng hoạt động của Hạ viện. Nếu đảng hoặc liên minh nào giành được tỷ lệ đa số nhưng vẫn chưa đủ 54%, họ sẽ tự động được cộng thêm số ghế sao cho đảm bảo chiếm đa số 54%.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Eurispes, một viện nghiên cứu xã hội độc lập có uy tín tại Italy, từ năm 2004 đến 2013, cử tri Italy ngày càng không muốn tham gia bầu cử, trong mỗi lần tổng tuyển cử, số cử tri vắng mặt trung bình giảm thêm 7%. Theo dự tính, cuộc tổng tuyển cử Italy năm 2013 sẽ có gần 77% số cử tri tham gia.

Trong những ngày gần đây, bốn ứng cử viên thủ tướng cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới gồm Thủ tướng tạm quyền Mario Monti , cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, danh hài Beppe Grillo và lãnh đạo đảng Dân chủ (PD) trung tả Pier Luigi Bersani đang có cuộc đua quyết liệt với những chiến lược vận động tranh cử riêng của mình nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ tám thế giới và lớn thứ ba trong khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro, nhưng Italy lại là một trong những quốc gia có số nợ công cao nhất thế giới. Bất cứ ai trong số các nhân vật nói trên trở thành người đứng đầu chính phủ Italy kế tiếp cũng phải đối mặt với khó khăn vì vừa phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cắt giảm nợ công vừa phải khắc chế các “tập đoàn kinh tế mafia” hùng mạnh ở phía Nam.

Nằm ở phía Nam của Châu Âu, Italy là quốc gia có lịch sử lâu đời gắn liền với sự nổi tiếng của nền văn minh La Mã cổ đại. Trải qua nhiều thăng trầm và đồng thời cũng là một thành viên sáng lập của EU nên mọi biến cố của Italy đều có ảnh hưởng tới khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Cuộc bầu cử lần này của Italy cũng không nằm ngoài sự chú ý của các nước với sự hứa hẹn làm thay đổi lịch sử của một trong các quốc gia có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2013./.

Ngự Bình, Phạm Thành/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục