Tổng tuyển cử sớm: Chìa khóa phá vỡ thế bế tắc về Brexit ở Anh?

Trong bối cảnh chính phủ Anh nỗ lực tìm kiếm cho Brexit dường như rơi vào ngõ cụt, đã xuất hiện những suy đoán rằng bà May có thể kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm để phá vỡ thế bế tắc này.
Thủ tướng Anh Theresa May (phía trước) phát biểu tại phiên họp của Hạ viện về thỏa thuận Brexit tại London, ngày 29/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Anh Theresa May (phía trước) phát biểu tại phiên họp của Hạ viện về thỏa thuận Brexit tại London, ngày 29/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Reuters đưa tin, trong bối cảnh con đường tiếp theo mà chính phủ Anh nỗ lực tìm kiếm cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, hay còn gọi Brexit, dường như rơi vào ngõ cụt, đã xuất hiện những suy đoán rằng Thủ tướng Theresa May có thể kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm để phá vỡ thế bế tắc này.

Tuần trước, sau khi thỏa thuận Brexit của bà May bị Quốc hội phản đối đến lần thứ ba, bà May nói rằng bà lo ngại “chúng ta đã đạt đến những giới hạn của tiến trình này tại Hạ viện.”

Phát biểu này được dư luận coi là một tín hiệu cho thấy bà sẽ tiến tới việc tổ chức một cuộc bầu cử sớm.

Tờ Thời báo Chủ nhật đưa tin giám đốc truyền thông của bà May là Robbie Gibb cùng cố vấn chính sách Stephen Parkinson đang thúc đẩy việc tổ chức một cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ là James Cleverly lại phát biểu hôm 31/3 vừa qua rằng đảng này không có kế hoạch tiến hành một cuộc bầu cử, trong khi Bộ trưởng Tư pháp David Gauke cũng lên tiếng cảnh báo rằng tổ chức bầu cử sớm sẽ không giải quyết được vấn đề liên quan đến hướng đi tiếp theo cho Brexit.

Năm 2017, bà May đã đánh mất thế đa số của đảng mình tại Quốc hội trong một cuộc bầu cử mà bà đã không cần kêu gọi tổ chức. Kể từ đó, bà luôn phải trông cậy vào sự ủng hộ của Đảng Liên đoàn Dân chủ Bắc Ireland, vốn bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit của bà trong cả ba lần bỏ phiếu.

Cách để có thể tổ chức một cuộc bầu cử sớm

Theo dự kiến, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Anh phải đến năm 2022 mới được tổ chức, song có hai cách để có thể kêu gọi tổ chức bầu cử sớm:

Thứ nhất: 2/3 trong số 650 nhà lập pháp trong quốc hội phải bỏ phiếu ủng hộ tổ chức bầu cử sớm.

Thứ hai: Nếu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong chính phủ được quá bán các nhà lập pháp thông qua, và không đảng nào giành chiến thắng trong việc có được sự tín nhiệm tại Hạ viện trong vòng 14 ngày sau đó, một cuộc bầu cử sẽ được kích hoạt.

[Thủ tướng Anh đề nghị Liên minh châu Âu tiếp tục lùi thời hạn Brexit]

Nhiều ý kiến trong đảng Bảo Thủ của bà May phản đối ý tưởng tiến hành bầu cử sớm. Nếu không thể thuyết phục đủ số thành viên trong đảng ủng hộ tổ chức bầu cử, bà May sẽ buộc phải ủng hộ một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong chính chính phủ của bà để có thể kích hoạt một cuộc bầu cử.

Ai sẽ dẫn dắt đảng Bảo Thủ bước trong cuộc bầu cử sớm?

Tuần trước, trong một nỗ lực nhằm thuyết phục các nhà lập pháp của Đảng Bảo Thủ ủng hộ thỏa thuận của mình, bà May đã hứa sẽ từ chức trước khi giai đoạn tiếp theo của các cuộc đàm phán Brexit diễn ra nếu như thỏa thuận của bà được quốc hội phê chuẩn. Trước đó, bà từng nói sẽ không cạnh tranh trong cuộc bầu cử năm 2022. 

Ngày 29/3 vừa qua, thỏa thuận Brexit của bà đã lần thứ ba bị bác bỏ. Dù bà có chấp nhận ra đi sớm hơn, một cuộc cạnh tranh vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ chắc chắn sẽ phải mất ít nhất là vài tuần.

Ngày 31/3 vừa qua, Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ James Cleverly nói với hãng tin Sky News rằng “khả năng chắc chắn” là bà May sẽ dẫn dắt đảng này trong một cuộc bầu cử sớm, nếu nó có thể diễn ra.

Lập trường của Đảng Bảo Thủ về Brexit

Một trong những khó khăn lớn nhất trong viêc xúc tiến một cuộc bầu cử sớm là câu hỏi chủ trương của Đảng Bảo Thủ về Brexit trong cuộc bầu cử này là gì?

Hiện đảng này vẫn bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề nói trên. Một nửa số nhà lập pháp của bà May ủng hộ một Brexit “không có thỏa thuận nào” khi Quốc hội tiến hành bỏ phiếu về những lựa chọn thay thế cho Brexit hồi tuần trước, trong khi có 34 nhân vật ủng hộ tìm kiếm một liên minh thuế quan với Liên minh châu Âu (EU) và 8 người khác ủng hộ tiến hành một cuộc trưng cầu ý kiến quyết định của công chúng đối với bất cứ thỏa thuận nào.

Nhiều nhà lập pháp có lẽ sẽ không mấy vui vẻ khi phải ủng hộ một chủ trương mà trong đó họ cam kết thực thi thỏa thuận của bà May.

Hơn 100 nhà lập pháp thuộc đảng Bảo thủ đã phản đối thỏa thuận này trong lần đầu tiên nó được đưa ra biểu quyết hồi tháng 1,75 phiếu chống cho lần bỏ phiếu thứ hai và 34 người phản đối trong nỗ lực lần thứ ba của bà hôm 29/3 vừa rồi.

Các cuộc thăm dò dư luận nói lên điều gì?

Kết quả một cuộc khảo sát do hãng thăm dò Opinium đăng tải hôm 31/3 vừa qua cho thấy tỷ lệ ủng hộ của hai đảng Bảo Thủ của bà May và Công đảng đối lập đều là 35%, trong khi một cuộc thăm dò khác do hãng Deltapoll tiến hành hôm 31/3 lại cho ra kết quả 41% dành cho Công đảng và 36% cho đảng Bảo Thủ.

Một cuộc bầu cử sớm sẽ được tổ chức sớm nhất khi nào?

Anh dự kiến rời khỏi EU vào ngày 12/4 tới, trừ khi họ tìm ra được một phương án thay thế cho Brexit. Chính phủ cần phải tìm kiếm một sự trì hoãn dài hơn cho một cuộc thương lượng về Điểu khoản 50 nhằm tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm. Có vẻ EU sẽ chấp nhận điều này, mặc dù họ không đảm bảo chắc chắn.

Bà May cho biết bất cứ sự trì hoãn nào kéo dài hơn đều đồng nghĩa với việc Brexit diễn ra đúng giai đoạn bầu cử Nghị viện châu Âu.

Theo một thời gian biểu khả thi do Viện Chính phủ đưa ra, một cuộc bầu cử sớm nhất vào giữa tháng 5/2019. Nếu cuộc bầu cử này được kích hoạt bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, thời gian nó diễn ra có thể lùi thêm 14 ngày./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục