Tổng tuyển cử trước thời hạn ở Anh: Sự lựa chọn khó khăn

Gần 1 năm sau cuộc thăm dò dân ý lịch sử “đi hay ở lại EU”, cử tri Anh một lần nữa phải lựa chọn để quyết định tương lai của đất nước thời hậu Brexit.
Tổng tuyển cử trước thời hạn ở Anh: Sự lựa chọn khó khăn ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May gặp những người ủng hộ trong chiến dịch tranh cử ở Newcastle ngày 12/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Có lẽ hiếm có kỳ bầu cử nào ở Anh lại đặc biệt như cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 8/6 này, khi trong chiến dịch tranh cử kéo dài 9 tuần, các chính đảng có tới 2 lần phải tạm ngưng hoạt động tranh cử do nước Anh xảy ra liên tiếp 2 vụ tấn công khủng bố đẫm máu.

Vụ đánh bom liều chết ở Manchester hôm 22/5 và vụ tấn công liên hoàn ở London chưa đầy 2 tuần sau đó, chẳng những cướp đi sinh mạng của 29 người và khiến hàng trăm người bị thương, mà còn tạo tâm lý bất an lo lắng trong cử tri Anh.

Gần 1 năm sau sự kiện trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016 làm rung chuyển cả Lục địa già, người dân Anh vẫn chưa thôi day dứt trước câu hỏi: liệu quyết định Brexit, ủng hộ rời “ngôi nhà chung” Liên minh châu Âu” (EU), là đúng hay sai.

Thực tế rằng việc nước Anh “quay lưng lại” với EU, song vẫn dễ tổn thương trước mối hiểm họa khủng bố như bất kỳ nước EU nào khác, cùng những mối quan hệ kinh tế thương mại bền chặt lâu nay giữa hai bên, càng khiến tiến trình “chia tay” trở nên phức tạp hơn.

Một chiến lược Brexit có thể bảo vệ tối đa lợi ích của nước Anh, kèm theo giải pháp chống khủng bố hiệu quả, đang là những chủ đề nóng nhất chi phối cuộc bầu cử lần này.

[[Infographics] Bầu cử Anh: Cương lĩnh tranh cử của hai đảng lớn]

Cả đảng Bảo thủ cầm quyền và đảng đối lập lớn nhất Công đảng trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử đều tập trung vào các chính sách an ninh và chống khủng bố để giành thêm sự ủng hộ của cử tri. Là người từng phụ trách vấn đề an ninh và giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trước khi trở thành Thủ tướng, lãnh đạo đảng Bảo thủ, bà Theresa May cho rằng cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho lực lượng chống khủng bố.

Trong khi đó, Công đảng chỉ trích đảng Bảo thủ trong thời gian cầm quyền đã cắt giảm tới 19.000 cảnh sát, khiến nước Anh không thể đảm bảo an ninh cho người dân.

Mặc dù đảng Bảo thủ được cho là thể hiện quan điểm khá cứng rắn, quyết liệt trong xử lý vấn đề khủng bố, còn Công đảng bị coi là đề cập khá chung chung, song rõ ràng 3 vụ khủng bố liên tiếp từ tháng 4 tới nay ở Anh, trong thời gian bà May cầm quyền, cũng đã “phủ bóng đen” lên những nỗ lực của đảng cầm quyền.

Cử tri Anh chưa thể tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của Thủ tướng May và đảng Bảo thủ trong việc duy trì an ninh khi mà nước Anh liên tục “báo động đỏ” về khủng bố.

Hơn thế nữa, nhiều ý kiến còn lo ngại chính quyết định Brexit đang đẩy nước Anh vào thế phải “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến ngăn chặn khủng bố.

Lãnh đạo Công đảng Anh cũng không bỏ lỡ cơ hội này để lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chính sách ngoại giao của chính phủ đã đẩy đất nước vào các mối đe dọa an ninh.

Trong bối cảnh đó, mọi kịch bản Brexit mà chính đảng cầm quyền ở Anh theo đuổi trong 2 năm tới đều phải ưu tiên bảo vệ nước Anh trước “bóng ma” khủng bố vốn đang gieo rắc nỗi kinh hoàng trên toàn châu Âu.

Cho tới nay, Thủ tướng May và đảng Bảo thủ vẫn giữ nguyên quan điểm cứng rắn với vấn đề đàm phán Brexit "thà không có thỏa thuận nào còn hơn là một thỏa thuận tồi."

Tuy nhiên, cử tri Anh hiện có quan điểm trái chiều về chủ trương này. Một số ca ngợi bà May đã không đánh đổi việc ra khỏi EU bằng mọi giá, số khác lại lo ngại thái độ cứng rắn quá của bà sẽ dẫn đến nước Anh bị thua thiệt trong đàm phán cũng như tương lai quan hệ thương mại của London với EU, đặc biệt là giới đầu tư, ngân hàng, tài chính tại Khu tài chính London.

Trong khi đó, Công đảng mà lãnh đạo là ông Jeremy Corbyn có hướng tiếp cận khá mềm mỏng khi ưu tiên đàm phán để Anh được quyền tiếp cận tự do vào thị trường EU.

Trái vào quan điểm cứng rắn của bà May, ông Corbyn đánh giá vai trò quan trọng của EU đối với kinh tế Anh, do vậy không có chuyện "thà không có thỏa thuận với EU", mà Công đảng hướng tới có thỏa thuận thương mại với EU một cách hợp lý nhất.

Đối với các vấn đề an sinh xã hội, nhập cư, bà May bị chỉ trích khá nhiều về kế hoạch tăng thu phí chăm sóc xã hội đối với người già, thuế thu nhập đối với người giàu, thắt chặt nhập cư....

Ngược lại, ông Corbyn đưa ra nhiều chính sách an sinh xã hội được lòng cử tri như không tăng thuế đối với 95% cử tri Anh, miễn học phí đại học, giảm bớt nhập cư nhưng vẫn cho phép nhận nhập cư đến Anh nếu có việc làm... Tuy nhiên, ông bị đảng Bảo thủ chỉ trích là có chính sách an sinh xã hội hào phóng mà không biết “lấy tiền ở đâu ra để thực hiện các chính sách đó.”

Mục tiêu của Thủ tướng May khi kêu gọi bầu cử sớm là củng cố quyền lực của cá nhân cũng như của đảng Bảo thủ trước thềm cuộc đàm phán quan trọng với EU. Tuy nhiên, với tình hình thực tế ở Anh hiện nay, việc đảng Bảo thủ thắng lớn tại cuộc tổng tuyển cử tới đây là chuyện không dễ như dự tính ban đầu, thậm chí mọi kịch bản đều có thể xảy ra.

Mặc dù trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương hồi đầu tháng 5, vốn được coi là “phép thử” trước cuộc tổng tuyển cử này, đảng Bảo thủ đã chiến thắng vang dội, song loạt vụ khủng bố liên tiếp vừa qua đang khiến khoảng cách giữa đảng Bảo thủ và Công đảng dần thu hẹp, từ mức 20% khi bà May tuyên bố bầu cử trước thời hạn xuống còn 6-7% theo kết quả thăm dò mới nhất được công bố 2 ngày trước bầu cử.

Trong bối cảnh cạnh tranh ác liệt như hiện nay, tỉ lệ và thành phần cử tri đi bỏ phiếu được coi là yếu tố mấu chốt quyết định kết quả bầu cử. Công đảng có xu hướng giành được sự ủng hộ của lực lượng cử tri trẻ, trong khi đảng Bảo thủ chủ yếu được cử tri trên 45 tuổi đặt niềm tin. Ngay chính các cuộc thăm dò dư luận khác nhau trước thềm bầu cử cũng cho thấy những kết quả hết sức khác biệt liên quan tới đối tượng tham gia khảo sát.

Gần 1 năm sau cuộc thăm dò dân ý lịch sử “đi hay ở lại EU”, cử tri Anh một lần nữa phải lựa chọn để quyết định tương lai của đất nước thời hậu Brexit. Có một điều chắc chắn rằng, cho dù đảng nào lên nắm quyền, nước Anh cũng sẽ vẫn ra khỏi EU, song rõ ràng không thể tự cô lập mình khi London đang có quá nhiều mối ràng buộc với “lục địa già”, cả về an ninh và kinh tế. Bởi vậy, Anh vẫn phải duy trì mối quan hệ đối tác kinh tế và đồng minh chống khủng bố quan trọng với EU vì lợi ích, an ninh và phát triển của cả hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục