Tốp 10 các trường đại học hàng đầu trên thế giới

Anh có bốn trường lọt vào Tốp 10 các trường đại học hàng đầu, trong khi các trường đại học của Mỹ chiếm sáu vị trí còn lại.
Theo Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới QS (QS World University Rankings) năm 2012, Anh có bốn trường lọt vào Tốp 10 các trường đại học hàng đầu, trong khi các trường đại học của Mỹ chiếm sáu vị trí còn lại.

Trường Đại học Cambridge tụt từ vị trí số một năm ngoái xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng năm nay. Ba trường đại học Anh còn lại là Đại học College London (UCL), Đại học Oxford và Đại học Imperial London lần lượt đứng ở vị trí thứ tư, thứ năm và thứ sáu.

Năm nay, Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ - xếp thứ ba trong bảng xếp hạng năm ngoái - đã vươn lên đứng đầu trong Tốp 10, trong khi Đại học Harvard lại bị tụt một bậc so với năm ngoái xuống vị trí thứ ba.

Các trường Mỹ khác trong Tốp 10 bao gồm Đại học Yale (7), Đại học Chicago (8), Đại học Princeton University (9) và Viện Công nghệ California (10).

Bảng xếp hạng QS đánh giá 400 trường đại học hàng đầu của thế giới dựa trên những điểm mạnh về nghiên cứu, giảng dạy, khả năng được tuyển dụng của sinh viên tốt nghiệp và triển vọng quốc tế.

Ông Ben Sowter, thuộc đơn vị nghiên cứu QS, cảnh báo việc tăng học phí đại học lên gấp ba và những quy định mới về visa đối với sinh viên quốc tế của Anh sẽ khiến cho các trường đại học của nước này gặp nhiều khó khăn trong năm tới.

Ông Sowter dẫn kết quả một khảo sát khác của QS cho biết chỉ có 40% trong số các ông chủ ở xứ sở sương mù cho rằng các quy định về visa đã giúp họ thuê được những sinh viên quốc tế vừa tốt nghiệp đại học trong khi con số trung bình trên toàn cầu là 70%.

Những biện pháp của Chính phủ Anh nhằm thắt chặt hệ thống cấp visa chosinh viên đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi nhiều Nghị sĩ trong tuần qua.

Những Nghị sỹ này cho rằng những sinh viên nước ngoài nên được phân loại lại để họ không bị liệt vào danh sác những người phải chịu quy định về hạn chế nhập cảnh, nhằm tạo điều kiện cho các trường đại học Anh tiếp tục mở rộng thị phần ở thị trường sinh viên quốc tế.

Hồi đầu tuần, lãnh đạo một số trường đại học hàng đầu của Anh cũng đã lên tiếng cảnh báo việc hạn chế nhập cảnh đối với các sinh viên nước ngoài có thể làm "chệch hướng" các trường đại học xứ sở sương mù vào thời điểm được xem như mới chỉ là sự khởi đầu của thời kỳ hưng thịnh nhất của giáo dục đại học quốc tế.

Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Cơ quan Biên giới Anh (UKBA) vừa rút giấy phép bảo trợ visa cho sinh viên quốc tế ngoài khu vực Liên minh châu Âu (EU) của Trường Đại học London Metropolitan (LMU) do trường này không vượt qua được các bài kiểm tra của UKBA.

Một số nhà phân tích cho rằng trong khi cố gắng tăng cường sự kiểm soát đối với việc lạm dụng hệ thống cấp visa, thì Chính phủ Anh cũng cần phải thận trọng để tránh việc đẩy những sinh viên tốt nhất và có năng lực nhất khỏi nước Anh và rơi vào tay những đối thủ của nước này trong lĩnh vực giáo dục./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục