Top 10 ngôi sao "xẹt" của làng bóng đá thế giới

Tiền vệ Tây Ban Nha Gaizka Mendieta là một trong số 10 ngôi sao "xẹt" trong thập niên vừa qua do trang tin bóng đá Goal bình chọn.
Chuyên trang tin bóng đá Goal đã bình chọn ra 10 ngôi sao "xẹt" của bóng đá thế giới trong thập niên vừa qua.

Marcel Ketelaer

Ketelaer từng là một trong những cầu thủ trẻ được chú ý nhất tại Đức trong thập niên qua. Sau những màn trình diễn xuất sắc trong màu áo Borussia Monchengladbach và U21 Đức, cầu thủ này đã được Hamburg mua về vào mùa hè năm 2000 với giá 5 triệu DM.

Khi đó, Ketelaer được đánh giá là một tiền vệ có lối chơi sáng tạo và óc quan sát tốt. Không những vậy, Ketelaer còn ghi bàn ngay trận ra mắt đội bóng mới và thi đấu xuất sắc trong trận hòa 4-4 với Juventus ở Cúp châu Âu.

Tuy nhiên, kể từ khi dính chấn thương, Ketelaer đã để mất vị trí chính thức ở Hamburg rồi quay về đá cho Gladbach dưới dạng cho mượn. Dù được thi đấu ở đội bóng đầu tiên của sự nghiệp nhưng Ketelaer vẫn không thể lấy lại phong độ khi xưa và anh đã phải lang thang sang giải Áo thi đấu. Hiện cầu thủ này vừa được Rapid Wien giải phóng hợp đồng.

Marat Izmailov

Tiền vệ nhỏ con này từng là một hiện tượng của bóng đá Nga. Izmailov chỉ mất sáu tháng để thăng tiến từ đội dự bị của Lokomotiv Moscow lên đội tuyển Nga. Không những vậy, anh còn được chọn vào đội hình những cầu thủ trẻ xuất sắc của World Cup 2002.

Izmailov từng được đánh giá là một cầu thủ kiến thiết tuyệt vời, cùng với khả năng giữ bóng đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, sự nghiệp của cầu thủ này đã bị ảnh hưởng nặng bởi những chấn thương và Izmailov chưa bao giờ thi đấu trọn vẹn một mùa giải. Kể từ khi gia nhập Sporting Lisbon vào mùa hè 2006, Izmailov vẫn không thể tìm lại được ánh hào quang khi xưa.

Richard Knopper

Có lẽ ít người biết tới cầu thủ này. Vào đầu thập niên, Knopper từng được đánh giá là cầu thủ tài năng nhất của Ajax và là truyền nhân của Dennis Bergkamp. Thi đấu ở vị trí tiền đạo lùi, Knopper thi đấu khá xuất sắc trong mùa giải 1999-2000 và được nhiều đội bóng lớn ở châu Âu để mắt tới.

Nhưng chấn thương gặp phải trong trận đấu cuối mùa giải đã khiến Knopper nghỉ gần như toàn bộ mùa giải năm sau. Khi bình phục chấn thương, Knopper đã không thể giành được niềm tin từ huấn luyện viên Co Adriaanse. Sau quãng thời gian thi đấu cho Aris Saloniki, Heerenveen và Vitesse, hiện giờ Knopper đang đá cho Den Haag.

Javier Portillo

Khi mới 20 tuổi, Portillo đã xuất hiện trong đội hình đầy rẫy những siêu sao của Real Madrid năm 2002. Anh còn được đánh giá là hậu duệ của “Chúa nhẫn” Raul. Ngoài ra, Portillo còn giữ kỷ lục ghi bàn thắng cho tất cả các cấp đội của Real Madrid. Khi đó, các khán giả của “Kền kền trắng” rất hâm mộ tiền đạo có khuôn mặt thư sinh này và các khán đài thường hô vang tên Portillo mỗi khi anh ra khởi động.

Tuy nhiên, việc huấn luyện viên Del Bosque bị sa thải đã khiến tiền đồ của tiền đạo trẻ này trở nên mờ mịt. Không được trọng dụng ở Real Madrid, Portillo lang thang sang Italia, rồi Bỉ và cuối cùng trở về chơi cho Osasuna. Tưởng như tiền đạo này sẽ có một cái kết đẹp nhưng số phận vẫn chưa mỉm cười với anh. Mới đây, Portillo đã phải chuyển tới đá cho Hercules Alicante ở giải hạng 2 Tây Ban Nha do những trục trặc với huấn luyện viên của Osasuna.

Freddy Adu

Tài năng trẻ người Mỹ gốc Ghana, F. Adu từng làm báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Khi mới 12 tuổi, hàng loạt đội bóng ở Italy đã muốn có anh. Khi lên 14, Adu trở thành cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử ký hợp đồng chuyên nghiệp. Và khi lên 15, Adu đã có bàn thắng đầu tiên ở Giải bóng đá nhà nghề Mỹ.

Nhưng sự kỳ vọng và áp lực của giới truyền thông đã “giết chết” tài năng của Adu. Tiền đạo này đã rơi vào một “mê hồn trận” do báo giới dựng lên và anh đã không còn là chính mình khi sang châu Âu thử sức. Sau khi “trôi dạt” từ Benfica, sang Monaco, rồi Belenenses, đội bóng “tí hon” ở giải Bồ Đào Nha, giờ đây Adu đang tính tới phương án giải nghệ khi mới… 20 tuổi.

Fabian Carini

Thủ môn người Uruguay từng được đánh giá là “thủ môn tiềm năng nhất thế giới”. Khi 19 tuổi, phong độ xuất sắc của Carini đã giúp đội nhà lọt vào trận chung kết Copa America. Ngay sau đó, Juventus đã “tóm gọn” Carini, nhưng lại cất thủ môn này trên băng ghế dự bị trong hai năm.

Sau quãng thời gian thi đấu khá thành công trong màu áo Standard Liege, Juventus đã bán Carini cho Inter, nhưng dường như Seire A không phải là miền đất hứa cho thủ môn này. Anh tiếp tục bị đày đọa trên băng ghế dự bị và Carini buộc phải chuyển sang những đội bóng nhỏ hơn để tìm cơ hội thi đấu. Hiện “thần đồng” Carini đã trở về Nam My để bắt cho Atletico Mineiro.

Stefano Fiore

Dù không có cơ hội tỏa sáng trong màu áo Parma nhưng Fiore thi đấu khá xuất sắc kể từ khi ghi nhập Udinese năm 1999. Fiore từng được đánh giá là một tiền vệ có óc sáng tạo tuyệt vời, cùng những đường chọc khe “sắc như dao cạo”. Không những vậy, huấn luyện viên Dino Zoff còn xây dựng sơ đồ chiến thuật của tuyển Italy xoay quanh Fiore tại Euro 2000. Sau kỳ Euro khá thành công đó, Fiore quyết định chuyển sang khoác áo Lazio với giá 20 triệu euro, nhưng mọi thứ đã chấm dứt với anh kể từ khi đó.

Huấn luyện viên A.Zaccheroni không sử dụng Fiore ở vị trí mà anh ưa thích và huấn luyện viênTrapattoni của Italy cũng không đặt niềm tin ở anh. Cuối cùng, Fiore chọn giải pháp sang Valencia thi đấu dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Ranieri. Tuy vậy, Fiore đã không thể hòa nhập với La Liga và đành trở về Serie A. Nhưng anh mãi không thể tìm lại được phong độ đỉnh cao năm xưa. Giờ đây, ngôi sao một thời của bóng đá Italia đang khoác áo đội Cosenza ở Serie C.

Francisco Pavon

Cầu thủ này đã đi vào lịch sử của bóng đá khi được gắn trong khái niệm “Zidane và Pavon” của Chủ tịch F. Perez. “Zidane” có nghĩa là những siêu sao mà “Kền kền trắng” tốn hàng chục triệu euro để đưa về sân Bernanbeu mỗi năm, còn “Pavon” là những tài năng trẻ mà câu lạc bộ Hoàng gia Tây Ban Nha đào tạo được.

Trung vệ Paco Pavon được đưa lên đội chính thức của Madrid năm 2001 và được đánh giá là truyền nhân của Hierro. Tuy nhiên, những thay đổi trên băng ghế huấn luyện và cách mua sắm vô tội vạ của Chủ tịch Perez khi đó đã làm Pavon “thui chột” tài năng. Sau khi bị “thất sủng” tại Madrid, Pavon gia nhập Real Zaragoza năm 2007, nhưng chưa từng bao giờ được coi là lựa chọn số một cho hàng phòng ngự.

El Hadji Diouf

Tiền đạo Diouf đã góp công không nhỏ trong thành tích lọt tới vòng tứ kết của Senegal ở World Cup 2002. Nhanh nhẹn, thi đấu luôn quyết liệt cùng khả năng dứt điểm khá tốt là những điểm mạnh của Diouf.

Sau kỳ World Cup thành công, Diouf đã gia nhập Liverpool từ Lens với giá 10 triệu bảng và trở thành một trong những “tương lai” của đội bóng chủ sân Anfield. Tuy vậy, kể từ khi đặt chân tới Anh, Diouf đã lao vào cuộc sống xa hoa và những rắc rối ngoài sân cỏ.

Vì vậy, phong độ của tiền đạo này đã bị ảnh hưởng nặng khi anh chỉ ghi được ba bàn trong mùa giải đầu tiên và tịt ngòi trong mùa giải thứ hai khoác áo “The Kop”. Sau khi bị huấn luyện viên Benitez “đá đít”, Diouf thi đấu lúc hay lúc dở trong màu áo của Bolton, Sunderland và hiện là Blackburn.

Gaizka Mendieta

Mendieta từng là nỗi ác mộng đối với hàng phòng ngự của đối phương ở đầu thập niên này. Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Ranieri, Mendieta đã phát triển từ một hậu vệ trái trở thành một tiền vệ chủ lực của Valencia.

Sau đó, Mendieta còn tỏa sáng rực rỡ khi giúp đội bóng của huấn luyện viên Hector Cuper hai lần lọt vào trận chung kết Champions League. Phong độ tuyệt vời cũng giúp Mendieta nhận danh hiệu tiền vệ xuất sắc nhất năm của UEFA và một vài tờ báo đã vội đánh giá anh sẽ trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Dù đã được Barca và Real Madrid trải thảm đỏ nhưng Mendieta đã quyết định gia nhập Lazio với hợp đồng kỷ lục 48 triệu euro. Tuy nhiên, sự nghiệp của cầu thủ này đã chấm dứt kể từ khi anh đặt chân tới mảnh đất hình chiếc ủng. Trước sự kỳ vọng và sức ép quá lớn, Mendieta đã thi đấu gây nhiều thất vọng và buộc phải chuyển sang Middleborough để cứu vãn sự nghiệp. Nhưng những nỗ lực của tiền vệ này đã quá muộn và anh quyết định treo giày năm 2008./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục