Total, ENI và Niko khoan thăm dò dầu tại Indonesia

Các công ty dầu khí Total, ENI và Niko của Canada thông báo sẽ tiến hành khoan thăm dò tại một số vùng biển nước sâu ở Indonesia.
Các công ty dầu khí Total của Pháp, ENI của Italy và công ty phát triển tài nguyên Niko của Canada vừa thông báo trong năm nay sẽ tiến hành khoan thăm dò tại một số vùng biển nước sâu ở Indonesia.

Tổng Giám đốc Total E & P Indonesia, Elisabeth Proust, cho biết chi nhánh này của Total SA sẽ bắt đầu khoan thăm dò tại một số nơi như Bengkulu, West Papua và Sulawesi, trong đó khu vực Kepala Buring ngoài khơi Sorong ở West Papua sẽ được triển khai trong tháng Tư tới.

Bà Elisabeth Proust - từng là Chủ tịch Hiệp hội dầu khí Indonesia (IPA) - cho biết Total E & P năm 2011 đã giành được hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) để phát triển khu vực Kepala Buring có diện tích 7.176km2, và việc khoan thăm dò sẽ được tiến hành sau hai năm khảo sát địa chấn tại đây.

Ngoài ra, công ty còn có kế hoạch khoan thăm dò tại vùng biển nước sâu Mentawai có diện tích 8.034km2 ở Bengkulu vào năm 2014, với chi phí đầu tư ít nhất là 41,4 triệu USD.

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Cơ quan đặc trách về dầu khí SKKMigas, mới được thành lập của Chính phủ Indonesia, ông Muliawan, cho biết ngoài Total E & P Indonesia, các công ty ENI và Niko cũng đã lên kế hoạch khoan thăm dò tương tự trong năm nay, trong đó ENI sẽ triển khai công việc tại Bulungan ở eo biển Makassar vào tháng Chín, tiếp đó sẽ khoan khai thác giếng dầu Bakau Muara cũng ở vùng biển này trong tháng 11, còn Niko sẽ tiến hành khoan thăm dò tại Vịnh Untung và Cendrawasih ở Tây Papua trong tháng 3 và tại vùng biển Penanda ở eo biển Makassar trong tháng Tư năm nay.

Theo số liệu của Wood Mackenzie, năm 1012 Indonesia chỉ phát hiện trữ lượng dầu mới tương đương 13 triệu thùng tại 20 mỏ mới, ít hơn con số tương ứng 1,4 tỷ thùng (chiếm 72% trữ lượng dầu mới phát hiện ở khu vực Đông Nam Á) của nước láng giềng Malaysia.

Đầu năm nay, các tập đoàn năng lượng ExxonMobil, Hess và ConocoPhillips của Mỹ, Statoil của Na Uy, và Tately NV của Hà Lan đã quyết định đầu tư vào các lô ngoài khơi ở eo biển Makassar và Sulawesi.

Indonesia hy vọng với sự đầu tư vào tìm kiếm dầu khí tại các vùng biển nước sâu của các đối tác nước ngoài, nước này sẽ phục hồi được sản lượng dầu, vốn đang đối mặt với nguy cơ giảm xuống chỉ còn khoảng 830.000 thùng/ngày năm 2013, từ mức 900.000 thùng/ngày năm 2012, đều thấp hơn mức mục tiêu 950.000 thùng/ngày của chính phủ./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục