TP. HCM cần tuyển 140.000 lao động trong sáu tháng cuối năm

Nhu cầu tuyển dụng tập trung phát triển ở bốn ngành công nghiệp trọng yếu cơ khí, điện tử-công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất-nhựa cao su.
TP. HCM cần tuyển 140.000 lao động trong sáu tháng cuối năm ảnh 1Hướng dẫn thủ tục đăng ký mẫu tìm việc cho người lao động tại một phiên giới thiệu việc làm ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến trong sáu tháng cuối năm, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển dụng 140.000 lao động cho các vị trí việc làm, trong đó nhu cầu tuyển lao động thời vụ là 30.000 vị trí.

Về nguồn cung lao động, dự báo nhu cầu tìm việc trong sáu tháng cuối năm sẽ tăng 10% so với đầu năm, trong đó sẽ có sự cạnh tranh giữa sinh viên tốt nghiệp từ các trường với người lao động muốn tìm vị trí công việc và cơ hội phát triển mới.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định thị trường lao động Thành phố tiếp tục phát triển theo xu hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng, trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh.

Nhu cầu tuyển dụng tập trung phát triển ở bốn ngành công nghiệp trọng yếu cơ khí, điện tử-công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất-nhựa cao su, bên cạnh đó, các nhóm ngành kinh tế dịch vụ cũng được chú trọng.

Trước đó, trong sáu tháng đầu năm, tổng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 7,4% so với sáu tháng đầu năm 2014. Tình hình tuyển dụng trong các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố có sự gia tăng về nhu cầu lao động đã qua đào tạo nghề và kinh nghiệm làm việc. Bên cạnh đó nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao luôn được các doanh nghiệp chú trọng và đặt ưu tiên hàng đầu.

Trong sáu tháng đầu năm nay, nhu cầu tìm việc của người lao động cũng tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể tăng ở một số nhóm ngành như kinh doanh bán hàng; dịch vụ phục vụ (bảo vệ, giúp việc nhà…); dệt may-giày da; y dược-chăm sóc sức khỏe; hành chính văn phòng; cơ khí-tự động hóa; kiến trúc-kỹ thuật công trình xây dựng…

Theo ông Trần Anh Tuấn, qua thực tế cho thấy lao động qua đào tạo nghề có kỹ năng được doanh nghiệp chú trọng tuyển dụng, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, vì vậy cần đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp và trường đào tạo nghề nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, cần định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đào tạo nghề, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng nghề nghiệp cho học sinh như năng chuyên môn, kỹ năng mềm đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động, năng lực ứng dụng tin học và ngoại ngữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục