TP. HCM đưa vào sử dụng 11 dự án chống sạt lở bờ sông

UBND TP. HCM đã giao Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư 26 dự án kè phòng, chống sạt lở bảo vệ bờ sông, kênh rạch, trong đó đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng 11 dự án.
TP. HCM đưa vào sử dụng 11 dự án chống sạt lở bờ sông ảnh 1Công trình chống sạt lở kênh Thanh Đa. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Từ tháng 1/2011 đến nay, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư 26 dự án kè phòng, chống sạt lở bảo vệ bờ sông, kênh rạch, trong đó đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng 11 dự án, đang thi công 10 dự án còn năm dự án chưa thi công.

Tại các khu vực sạt lở, Khu Quản lý đường thủy nội địa - Sở Giao thông Vận tải, đã cắm biển cảnh báo sạt lở và phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở để cảnh báo nhân dân chủ động di dời phòng, tránh các thiệt hại có thể xảy ra.

Thông tin trên là một trong những nội dung mà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa báo cáo lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn.

Theo đại diện Ủy ban Nhân dân Thành phố, với đặc điểm chế độ bán nhật triều không đều nên từ tháng 3-9 hằng năm là thời gian có chân triều rút sâu nhất (dưới -2,0 m) có nguy cơ dẫn đến sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, bờ biển, đặc biệt là khu vực có địa chất yếu. Thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận-huyện kiểm tra thực địa, rà soát, phân loại mức độ sạt lở.

Hiện trên địa bàn thành phố có 59 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch trong đó có 24 vị trí sạt lở ở cấp độ đặc biệt nguy hiểm (huyện Nhà Bè có 12 vị trí, quận Bình Thạnh 5 vị trí, huyện Bình Chánh 4 vị trí, quận 2 có 2 vị trí, quận Thủ Đức 1 vị trí); 11 vị trí sạt lở ở cấp độ nguy hiểm và 24 vị trí sạt lở ở cấp độ bình thường.

Công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch đang gặp nhiều khó khăn do khâu đền bù giải phóng mặt bằng của một số dự án liên quan thực hiện chậm. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến địa hình lòng sông thay đổi, tốc độ sạt lở lan rộng do ảnh hưởng của dòng chảy dẫn đến phải điều chỉnh quy mô thiết kế của dự án đầu tư.

Ngoài ra, tại một số quận, huyện vẫn còn tình trạng xây dựng lấn chiếm, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch khiến dòng chảy bị thu hẹp, gia tăng lưu tốc dòng chảy, gây xói lở hàm ếch dẫn đến sạt lở. Tình trạng khai thác cát trái phép, không phép với quy mô lớn trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cũng đã và đang làm thay đổi chế độ thủy lực của sông, gây mất cân bằng bùn cát, dẫn đến gia tăng xói lở bờ sông, kênh, rạch.

Trước diễn biến phức tạp nói trên, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Khu Quản lý Đường thủy nội địa đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn hai cũng như các dự án xây dựng kè phòng, chống sạt lở khác; ưu tiên đề xuất nguồn vốn cho các công trình cấp bách chống sạt lở nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm; tiếp tục kiểm tra, rà soát và xác định cấp độ sạt lở bờ sông, kênh, rạch để tổ chức cắm biển cảnh báo và đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư.

Lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo các sở ngành liên quan của thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai kiểm tra hoạt động nạo vét, khai thác cát trên sông để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kiên quyết các trường hợp khai thác không phép, trái phép gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục