TP. HCM duyệt quy hoạch kiến trúc tuyến xa lộ Hà Nội

Trục xa lộ Hà Nội có chiều dài gần 15km - bắt đầu từ cầu Sài Gòn (Quận 2) đến cuối tuyến là Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc (Quận 9).
TP. HCM duyệt quy hoạch kiến trúc tuyến xa lộ Hà Nội ảnh 1Xa lộ Hà Nội đoạn gần khu Công nghệ cao, quận 9. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố phê duyệt quy hoạch đồ án thiết kế đô thị 1/2000 về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị của tuyến xa lộ Hà Nội.

Trục xa lộ Hà Nội là trục cửa ngõ quan trọng về phía Đông-Bắc theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh được duyệt. Theo đó, dọc tuyến xa lộ Hà Nội phát triển các khu đô thị mới với mức độ tập trung cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

Khu vực đô thị dọc đường cao tốc đô thị (cấp 1), có chức năng giao thông đối ngoại, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các đô thị đối trọng phía Đông Bắc trong Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và dọc trục giao thông công cộng khối lượng lớn (Metro Bến Thành - Suối Tiên), kết nối nhiều đầu mối giao thông liên vùng quan trọng.

Trục xa lộ Hà Nội có tổng chiều dài gần 15km - bắt đầu từ cầu Sài Gòn (quận 2) đến cuối tuyến là Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc (quận 9), gồm 10 phân khu chức năng, bao gồm khu A (Thảo Điền), khu B (An Phú), khu C (Rạch Chiếc) là các khu chức năng xây dựng mới và chỉnh trang khu hiện hữu. Khu D (Phước Long) là khu đô thị với nhiều chức năng được tái thiết sau khi di dời các nhà máy, bến bãi gây ô nhiễm.

Nhà cao tầng và chỉnh trang khu dân cư hiện hữu sẽ là khu E (Bình Thái). Khu F, G (Thủ Đức) là khu vực đặc trưng cảnh quan biệt thự Làng Đại học Thủ Đức, tập trung phát triển nhà ở; khu H (khu công nghệ cao) là khu đô thị hiện đại tập trung xung quanh nhà ga Metro. Cuối cùng là khu K (Suối Tiên) và khu L (Bến xe Miền Đông).

Định hướng không gian đô thị dọc trục xa lộ Hà Nội sẽ phát triển mới khu trung tâm đa chức năng cấp thành phố tại khu vực cảng Phước Long thuộc phường Trường Thọ (Thủ Đức) có quy mô hơn 106ha, bao gồm nhiều cơ sở công nghiệp và kho tàng ô nhiễm cần di dời như nhà máy Ximăng Hà Tiên, Thép Miền Nam,…

Ngoài ra, trục xa lộ Hà Nội sẽ được phát triển và kết nối hài hòa với các trung tâm chuyên ngành của thành phố trên tuyến xa lộ Hà Nội như Trung tâm thể dục thể thao Rạch Chiếc tại phường An Phú (quận 2), khu Công nghệ cao và Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc thuộc địa bàn quận 9, khu Đại học Quốc gia; hình thành các trung tâm giao thông công cộng tại các nhà ga Metro thông qua việc đề xuất các ưu tiên về hệ số sử dụng đất, khuyến khích đầu tư xây dựng các dự án đa chức năng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục