TP. HCM: Hỗ trợ xe bồn xăng dầu lưu thông trong giờ cao điểm

Sở Công Thương TP.HCM vừa đề xuất Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố xem xét có phương án tạm thời để hỗ trợ di chuyển với phương tiện vận chuyển xăng, dầu được lưu thông trong giờ cao điểm.
TP. HCM: Hỗ trợ xe bồn xăng dầu lưu thông trong giờ cao điểm ảnh 1Khách hàng đến cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thấy biển "hết xăng" và được nhân viên hướng dẫn đến cửa hàng xăng gần nhất trên cùng địa bàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Tính đến chiều ngày 10/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 58 cửa hàng xăng, dầu treo biển tạm đóng cửa hoặc hết xăng; trong đó có 3 cửa hàng đã gửi thông báo chính thức đến Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài 58 cửa hàng này, các cửa hàng trong tổng số 550 cửa hàng trên địa bàn thành phố vẫn duy trì hoạt động và đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Ghi nhận thực tế, do từ sáng sớm hôm nay lượng khách hàng đổ về một số cửa hàng xăng, dầu, nhất là khu vực vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh tăng đột biến nên gây hiện tượng hết xăng cục bộ và thời gian khách hàng chờ đến lượt mua lâu hơn so với thời gian bình thường. Bên cạnh đó, số lượng mua của mỗi người dân cũng tăng cao, vì vậy để đảm bảo cung ứng kịp thời cho mọi người dân, nên một số cửa hàng xăng, dầu đã linh hoạt phương thức kinh doanh như bán số lượng hạn chế, duy trì hoạt động 1 hoặc 2 trạm bơm để chờ tiếp ứng nguồn cung...

Cụ thể, tại cửa hàng xăng dầu Quang Trung CN2, số 44 đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đến khoảng 13 giờ ngày 10/10 đã treo biển "hết xăng." Theo đó, một số khách hàng và người dân đến cửa hàng thấy biển "hết xăng" và được nhân viên hướng dẫn đến cửa hàng xăng gần nhất trên cùng địa bàn.

[Thành phố Hồ Chí Minh: Xác định 54 cửa hàng tạm hết xăng dầu]

Ngoài những cửa hàng kinh doanh xăng, dầu treo biển "hết xăng" như cửa hàng kể trên, hầu hết những cửa hàng khác vẫn hoạt động và kinh doanh bình thường. Điển hình, cửa hàng xăng dầu số 4, 167 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh duy trì hoạt động kinh doanh ổn định và không giới hạn số lượng mua của mỗi khách.

Tuy nhiên, số lượng khách hàng tăng đột biến từ sáng sớm đến hiện tại nên cửa hàng này đã bố trí nhân viên bảo vệ hướng dẫn người dân xếp hàng và đảm bảo an ninh trật tự công cộng. Cùng với đó, cửa hàng vẫn bán xăng RON 95-II, RON 92-II với số lượng không giới hạn, chỉ treo biển "hết xăng E5."

Tương tự, tại cửa hàng xăng Petrolimex số 1, số 132 đường Hai Bà Trưng, Phường Đa Kao, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động kinh doanh diễn ra nhộn nhịp với lượng khách hàng đông hơn so với những ngày trước đó. Đặc biệt, cửa hàng này vẫn đảm bảo cung ứng số lượng cho người tiêu dùng, kể cả người dân đi xe ôtô, xe máy và những phương tiện khác.

Trao đổi với phóng viên TTXVN chiều ngày 10/10, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngành Công Thương đã và đang phối hợp liên ngành trong bám sát diễn biến thị trường, xử lý và giải quyết những vấn đề phát sinh trên thị trường xăng, dầu trong thời điểm "nóng" như hiện tại. Theo đó, sở ngành thành phố đã nắm bắt một số thách thức trong cung ứng xăng, dầu và những khó khăn mà doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng trên địa bàn đang gặp phải dẫn đến thiếu hàng cục bộ trong thời gian cao điểm.

TP. HCM: Hỗ trợ xe bồn xăng dầu lưu thông trong giờ cao điểm ảnh 2Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh xăng dầu của Petrolimex. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, nguyên nhân dẫn đến tình hình cung ứng xăng, dầu biến động, ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường bán lẻ đến tay người dân có thể kể đến là một số doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu có số lượng giảm, thị trường toàn cầu biến động về kinh tế lẫn địa chính trị, công tác vận chuyển khó khăn do ảnh hưởng bão lụt... Còn đối với những chuỗi cửa hàng phân phối, bán lẻ trên địa bàn treo biển tạm đóng cửa hoặc hết xăng, bán nhỏ giọt... chủ yếu là những cửa hàng nhỏ lẻ, nguồn vốn yếu, đặt hàng nhưng nhà cung cấp chưa cung ứng kịp, đồng thời giờ cao điểm xe bồn cung ứng xăng, dầu không được lưu thông.

Về quy định pháp luật, cửa hàng đóng cửa, tạm ngưng hoạt động phải có thông báo gửi về Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và phối hợp xử lý. Đơn cử, qua quá trình kiểm tra, có những cửa hàng tạm hết một vài chủng loại và khi hàng nhập về vẫn đảm bảo cung ứng kịp thời đến người tiêu dùng. Đặc biệt, lực lượng chức năng kiểm tra thực tế thì tại cửa hàng hết hàng, có hóa đơn chứng từ về hoạt động đặt hàng và đang chờ cung ứng hàng về.

Nhằm duy trì liên tục việc cung ứng xăng, dầu tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo nguồn cung xăng, dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh vừa có công văn đề xuất Sở Giao thông Vận tải và Công an Thành phố Hồ Chí Minh xem xét có phương án tạm thời nhằm hỗ trợ di chuyển đối với phương tiện vận chuyển xăng, dầu trên địa bàn được lưu thông vào giờ cao điểm. Theo đề xuất này, phương tiện vận chuyển xăng, dầu có thể lưu thông trong khung thời gian từ 9-16 giờ và 18-22 giờ, với sự hỗ trợ phân luồng, cung ứng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố.

Thời gian đề xuất hỗ trợ phương tiện vận chuyển xăng, dầu được lưu thông vào giờ cao điểm từ ngày 11/10/2022 đến ngày 1/11/2022. Sau thời gian này, căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu phát sinh (nếu có), Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đánh giá tình hình và đề xuất thời hạn thời gian cho phép lưu thông phù hợp (trong trường hợp cần thiết).

Dự báo, sức mua mặt hàng xăng, dầu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao, do tâm lý người dân mong muốn đổ "đầy bình xăng" trước kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày mai (11/10/2022). Đặc biệt, một số thông tin công bố dự báo giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh này sẽ tăng so với giá bản lẻ hiện tại trên thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục