TP. HCM phát triển nhanh mô hình đô thị thông minh

TP. HCM: Phát triển nhanh và mạnh với mô hình đô thị thông minh

Mục tiêu của đô thị thông minh là kinh tế năng động, hiệu quả hơn, môi trường sống và người dân được phục vụ tốt hơn, được tham gia quản lý và giám sát hoạt động của chính quyền.
TP. HCM: Phát triển nhanh và mạnh với mô hình đô thị thông minh ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 24/7, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm việc với tập thể lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về cải cách hành chính gắn với phát triển hệ thống đô thị thông minh.

Các vị Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi về sự phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua; việc thực hiện các nội dung liên quan đến xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn; thảo luận về các giải pháp để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, mạnh hơn với mô hình đô thị thông minh.

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy thời gian qua, Thành phố đã triển khai các nội dung liên quan đến đô thị thông minh ở hầu hết các lĩnh vực, trọng tâm là chính quyền điện tử, kinh tế, giao thông, y tế, quản lý đô thị, ngập nước, dân cư và hộ tịch, an ninh trật tự, giáo dục… Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Thành phố đang gặp phải những khó khăn trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến phát triển đô thị thông minh.

Cùng với đó, hệ thống thể chế còn chưa hoàn thiện, thay đổi thường xuyên; thủ tục hành chính còn rườm rà; tổ chức thực hiện pháp luật chưa thống nhất dẫn đến hoạt động của chính quyền điện tử chưa hiệu quả.

Các cơ sở dữ liệu liên quan đến người dân, doanh nghiệp chưa được triển khai thống nhất, đồng bộ dẫn đến khó khăn trong liên thông các thủ tục hành chính, nhất dịch vụ công trực tuyến...

Để xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, Thành phố xác định 3 nhiệm vụ chính: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phục vụ hiệu quả chương trình cải cách hành chính; xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện Đề án, lộ trình xây dựng đô thị thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X; triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực quan trọng gắn với 7 Chương trình đột phá của Thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nêu rõ sau 30 năm đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước. Tuy nhiên, Thành phố cũng đang đứng trước nhiều thách thức lớn, như năng lực cạnh tranh, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, tội phạm, phát triển bền vững… cần giải quyết.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Thành phố hiện đang triển khai thực hiện 7 giải pháp, trong đó, xây dựng Thành phố thông minh là giải pháp quan trọng, cấp bách hiện nay.

Thời gian tới, Thành phố sẽ thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành Đề án và Hội đồng cố vấn để có lộ trình phù hợp; xác định quyết tâm chính trị và trách nhiệm của toàn hệ thống Đảng bộ, chính quyền, người dân trong việc xây dựng đô thị thông minh.

Gợi mở cho Thành phố Hồ Chí Minh về các giải pháp xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết với trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hết sức quan tâm đến xu thế phát triển, đặc biệt là công tác quản lý trong 5 năm tới.

Năm 2015, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đi khảo sát một số địa phương; tổ chức hội thảo với chủ đề ''Đô thị thông minh - Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, triển vọng tại Việt Nam.'

Cùng với sự phát triển của công nghệ, đô thị thông minh đang là xu hướng của các thành phố lớn trên thế giới. Trước những thách thức mới, đô thị thông minh hứa hẹn sẽ là một bước đột phá cho Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, mục tiêu của đô thị thông minh là kinh tế năng động, hiệu quả hơn; môi trường sống ngày một tốt hơn, tình trạng ô nhiễm giảm; người dân được phục vụ tốt hơn; người dân tham gia quản lý, giám sát hoạt động của chính quyền. Thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện 4 mục tiêu này.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm xây dựng Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thông minh giai đoạn 2020-2025, với ba nhóm nội dung: Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và quy hoạch thông minh của Thành phố; Quản lý ngành và các dịch vụ thông minh (về giao thông, y tế, giáo dục...); Tăng cường sự tham gia và sáng kiến của người dân-người dân phải là đồng tác giả, đồng thời là người giám sát, thông qua việc đánh giá sự hài lòng của người dân.

Xây dựng đô thị thông minh cần có một hệ thống chính quyền hỗ trợ thông tin, xử lý truyền thông trong công tác quản lý. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chỉ đạo thực hiện Đề án này./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục