TP Hồ Chí Minh: Bác sỹ khuyến cáo “đừng quên tiêm vaccine sởi cho trẻ ”

Thời gian qua, các bệnh viện nhi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc sởi biến chứng nặng, các bác sỹ khuyến cáo phụ huynh “đừng quên tiêm vaccine sởi cho trẻ.”

Nhân viên trạm Y tế phường An Lạc, quận Bình Tân tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Nhân viên trạm Y tế phường An Lạc, quận Bình Tân tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Thời gian qua, các bệnh viện nhi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc sởi biến chứng nặng và hầu hết các trẻ đều có bệnh lý nền mạn tính, chưa được tiêm vaccine phòng sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ.

Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo phụ huynh “đừng quên tiêm vaccine sởi cho trẻ.”

Theo bác sỹ Đỗ Châu Việt, thời gian vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị một số trường hợp bệnh sởi nặng. Hầu hết các trường hợp đều có bệnh nền và trẻ chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm vaccine sởi không đầy đủ.

Mới đây, đơn vị này tiếp nhận bệnh nhi Đ.T.T (9 tuổi) trong tình trạng sốt cao, li bì, khó thở, da nổi hồng ban toàn thân. Bệnh nhi cân nặng chỉ 12kg (tương đương với trẻ 2 tuổi), có nhiều dị tật bẩm sinh như: bất thường não bẩm sinh, teo giác mạc, tứ chi chỉ có 4 ngón, không hậu môn đã được phẫu thuật lúc nhỏ. Trẻ chậm phát triển, không giao tiếp và suy dinh dưỡng. Do trẻ có nhiều dị tật bẩm sinh, lại hay mắc bệnh nên trẻ chưa được phụ huynh tiêm bất kỳ loại vaccine nào, kể cả vaccine sởi.

Sau nhập viện, bệnh nhi sốt cao 3 ngày liên tục, nôn ói, tiêu chảy, ho ngày càng tăng, phát ban toàn thân và bắt đầu khó thở nặng. Các bác sỹ đã xử trí bằng thở máy, truyền kháng thể, kháng sinh, bổ sung vitamin A liều cao, tăng cường dinh dưỡng và chăm sóc nâng đỡ thể trạng. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi có cải thiện, tự thở được nhưng vẫn cần tiếp tục hồi sức.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em mắc sởi có biến chứng nặng. Bác sỹ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết những trẻ mắc sởi nặng chủ yếu có sẵn bệnh nền như suyễn, tim bẩm sinh, bệnh lý về máu, thận hư...Những ca này phải nằm viện điều trị kéo dài, gặp biến chứng bội nhiễm ở phổi, tiêm kháng sinh ít nhất 7-10 ngày.

ttxvn_benh soi TPHCM2.jpg
Một bệnh nhi mắc bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Theo các bác sỹ, khảo sát một số lý do phụ huynh không cho con tiêm phòng vaccine sởi, có trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm chủng, có những trường hợp trẻ mắc bệnh lý mạn tính phụ huynh sợ không đủ sức khỏe để tiêm vaccine. Cũng có trường hợp lo ngại “hậu quả” của vaccine nên không cho trẻ tiêm bất cứ loại vaccine nào.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến nay Thành phố đã ghi nhận 581 trường hợp mắc sởi và 3 trường hợp tử vong. Tất cả trẻ tử vong đều có bệnh nền nặng; trong đó có một trẻ chưa đủ tuổi tiêm chủng, một trẻ chưa tiêm vaccine sởi và một trẻ tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Bác sỹ Đỗ Châu Việt khuyến cáo hiện bệnh sởi đã có vaccine phòng bệnh, trẻ sau khi được tiêm vaccine sẽ tạo được kháng thể, tự bảo vệ khi gặp virus sởi. Vì vậy, nếu trẻ được tiêm phòng đầy đủ thì nếu mắc bệnh cũng sẽ nhẹ nhàng vượt qua.

Vaccine sởi là vaccine sống giảm độc lực nên sẽ không được tiêm cho những trẻ suy giảm miễn dịch nặng, bệnh ung thư đang hóa trị, xạ trị, bệnh lao đang điều trị, trẻ đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch (corticoid,…) liều cao kéo dài, dị ứng hoặc phản ứng nghiêm trọng với các thành phần trong vaccine sởi...

“Ngoài các đối tượng trên, tất cả trẻ trong độ tuổi vẫn có thể tiêm vaccine sởi, đặc biệt cần thiết đối với những bé có bệnh nền, đa dị tật… Nếu quý phụ huynh còn vướng mắc về các bệnh lý cần hạn chế chích ngừa sởi, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn kỹ hơn, tránh để trẻ mắc bệnh sởi nặng, trong khi có thể phòng tránh được,” bác sỹ Đỗ Châu Việt lưu ý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục