TP. Hồ Chí Minh kiểm soát thành công, không để “dịch chồng dịch”

Dù sốt xuất huyết bùng phát dữ dội ngay sau khi Thành phố Hồ Chí Minh vừa kiểm soát được dịch COVID-19, nhưng ngành y tế thành phố đã kiểm soát được, không để xảy ra dịch chồng dịch.
TP. Hồ Chí Minh kiểm soát thành công, không để “dịch chồng dịch” ảnh 1Nhiều bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Dù sốt xuất huyết bùng phát dữ dội ngay sau khi Thành phố Hồ Chí Minh kiểm soát được dịch COVID-19 nhưng ngành y tế thành phố đã kiểm soát được, không để xảy ra dịch chồng dịch.

Đây là một trong 10 thành tựu y tế nổi bật nhất năm 2022 vừa được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổng kết, bình chọn.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bước sang năm 2022, khi cả hệ thống y tế thành phố vừa kiểm soát được đợt bùng phát mới của đại dịch COVID-19, dịch bệnh sốt xuất huyết lại xuất hiện sớm hơn với số ca mắc và tử vong tăng cao hơn rất nhiều lần so với mọi năm.

Ngay lập tức, ngành y tế kịp thời tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố triển khai hàng loạt giải pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên phạm vi toàn thành phố.

[TP.HCM: Chủ động phòng, chống COVID-19 và các dịch bệnh mới nổi]

Cả hệ thống y tế dự phòng và điều trị tiếp tục lao vào cuộc chiến chống dịch sốt xuất huyết bằng tất cả giải pháp như: đào tạo cập nhật phác đồ điều trị cho tất cả bác sỹ đang công tác trên địa bàn thành phố cả công lập lẫn tư nhân, luân phiên các chuyên gia điều trị sốt xuất huyết trực chiến ngay tại các bệnh viện có số ca mắc cao, hình thành quy trình báo động đỏ trong điều trị sốt xuất huyết...

Với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống y tế, dịch bệnh sốt xuất huyết đã được kiểm soát và đang lui dần, số trường hợp mắc, trường hợp nặng và tử vong đã được kéo giảm rõ vào những tháng cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022, ngành y tế cũng đã kịp thời giải thể các bệnh viện dã chiến, phục hồi và đưa các bệnh viện đã chuyển đổi công năng trước đó trở về chức năng khám chữa bệnh thông thường.

Sau một thời gian, hoạt động của các bệnh viện trở lại như trước khi dịch COVID-19 xảy ra. Sự phục hồi nhanh chóng của ngành y tế đã phần nào đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Không những thế, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối của thành phố còn nỗ lực phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu nhằm không ngừng nâng cao chất lượng điều trị như ứng dụng xạ trị toàn thân trong ghép tế bào gốc đồng loài cho người bệnh bạch cầu cấp dòng lympho; kỹ thuật giải trình tự gene phát hiện đột biến giúp sử dụng các thuốc ức chế men PARP trong điều trị những bệnh nhân ung thư vú, buồng trứng, tụy, tuyến tiền liệt có đột biến gây bệnh trên 2 gene BRCA1 và BRCA2; phẫu thuậtrobot cắt ung thư thận có chồi bướu trong tĩnh mạch chủ bụng; áp dụng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trên bệnh nhi sốc sốt xuất huyết Dengue biến chứng…

Cùng với đó, ngành y tế thành phố đã thành công đưa vào loại hình dịch vụ “cấp cứu trầm cảm” giúp người dân thoát khỏi những tác động đến sức khỏe tâm thần do dịch COVID-19 gây ra.

Sau hơn 4 tháng triển khai, “cấp cứu trầm cảm” đã tiếp nhận 94 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ tư vấn và cấp cứu tâm thần, đã có 40 trường hợp được Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp cận và đưa đến Bệnh viện Tâm thần điều trị.

Ngoài ra, trong năm 2022, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh còn có những hoạt động nâng cao chất lượng của hệ thống y tế cơ sở như thí điểm chương trình thực hành lâm sàng tại trạm y tế dành cho các bác sỹ mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề; luân phiên bác sỹ trẻ tình nguyện đến chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ; triển khai gói can thiệp thiết yếu đối với các bệnh không lây nhiễm của Tổ chức y tế Thế giới" (WHO PEN) giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thành phố và góp phần giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm gây ra...

Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động đợt bình chọn Giải thưởng thành tựu Y khoa Việt Nam lần thứ 3 - năm 2022 với chuyên đề là các sản phẩm phục vụ sức khỏe cộng đồng.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, năm 2022, ngành y tế Thành phố dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như sự biến động bất lợi về nguồn nhân lực y tế tại y tế cơ sở và các bệnh viện công lập, nguồn thu của các bệnh viện bị sụt giảm, tâm lý e ngại, sợ sai trong công tác đấu thầu làm ảnh hưởng ít nhiều đến công tác cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế…

Nhưng cũng chính từ bối cảnh này đã trở thành động lực để từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không ngừng nỗ lực, giúp hệ thống y tế thành phố tiếp tục đứng vững và triển khai nhiều hoạt động nổi bật, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục