TP. Hồ Chí Minh trên đường phát triển: Bài 2 - Cất cánh cùng đất nước

Từng bước thoát ra khỏi "vỏ bọc" cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp để tiến hành đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã “cùng cả nước, vì cả nước” bước vào một giai đoạn mới.
TP. Hồ Chí Minh trên đường phát triển: Bài 2 - Cất cánh cùng đất nước ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. (Nguồn: TTXVN)

Với tinh thần Đại hội lần thứ VI của Đảng là “tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói sự thật,” Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước đã từng bước thoát ra khỏi "vỏ bọc" cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp để tiến hành đổi mới, đưa thành phố “cùng cả nước, vì cả nước” bước vào một giai đoạn mới.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Nhớ lại thời điểm "làn gió Đổi mới" bao trùm Thành phố Hồ Chí Minh cũng như cả nước sau Đại hội VI của Đảng, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương không khỏi tự hào bởi cách làm của thành phố đã được Trung ương lắng nghe và chấp thuận.

“Lúc đó, lãnh đạo và người dân thành phố ai cũng phấn khởi, càng phát huy tinh thần đổi mới, càng bung ra sản xuất mạnh mẽ. Gánh nặng về tư tưởng 'sợ bị quy chụp' cũng được trút bỏ,” ông Phạm Chánh Trực cho biết.

Phát huy tinh thần đó, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đóng góp nhiều mô hình cơ chế kinh tế mới cho Trung ương sau Đại hội VI của Đảng.

Những ngày đầu đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã sớm đề ra chiến lược kinh tế hướng vào xuất khẩu, trong điều kiện các chính sách kinh tế và điều kiện hạ tầng kỹ thuật chung chưa bảo đảm, hạn chế.

Từ tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của nước ngoài, thành phố đã đề xuất với Trung ương cho thí điểm xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố. Định chế này sau đó đã được pháp chế hóa thành quy định chung của cả nước.

Đến nay, Thành phố Hồ chí Minh đã xây dựng được 16 khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó khu chế xuất Tân Thuận (khu chế xuất đầu tiên của cả nước được thành lập năm 1991) là một điển hình thành công về xây dựng khu chế xuất của Việt Nam.

Từ khi ra đời đến nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã có những đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP và góp phần quan trọng vào chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Điển hình như kim ngạch xuất khẩu của 3 khu chế xuất (Tân Thuận, Linh Trung 1, Linh Trung 2) đã đạt trên 22 tỷ USD, giá trị xuất khẩu liên tục tăng, từ 405 triệu USD năm 1998 lên hơn 812 triệu USD năm 2001, gần 4 tỷ USD năm 2014.

Bên cạnh đó, các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố là nơi tiếp nhận nhiều kỹ thuật, công nghệ mới. Đây là nhân tố quan trọng góp phần khơi mào một không khí học tập, chạy đua về công nghệ trong nền công nghiệp nước nhà, nhất là trong các lĩnh vực dệt may, cơ khí, điện tử, chế biến gỗ...

Ông Võ Chơn Trung, nguyên Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đóng góp quan trọng nhất trong hơn 24 năm qua của các khu chế xuất, khu công nghiệp tại thành phố là đào tạo thu hút nguồn nhân lực có chất lượng và từng bước hình thành phương pháp quản lý tiên tiến, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các khu chế xuất, khu công nghiệp đã thu hút gần 300.000 lao động, từ môi trường này, thành phố đã tạo ra được hàng ngàn kỹ thuật viên, nhân viên quản lý có trình độ đại học, cao đẳng đủ khả năng thay thế chuyên gia nước ngoài; cùng với 15.000 công nhân trung cấp biết sử dụng thành thạo thiết bị hiện đại và 30.000 công nhân lành nghề có trình độ ngang tầm quốc tế.

“Đội ngũ này đã và đang đóng vai trò nòng cốt trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao, được thị trường thế giới vốn khắt khe chấp nhận và ưa chuộng. Có thể nói, đây là tài sản quý để thành phố từng bước hội nhập kinh tế thế giới,” ông Võ Chơn Trung nhấn mạnh.

Một đóng góp quan trọng khác của Thành phố Hồ Chí Minh là việc thực hiện chế định các loại hình doanh nghiệp, thiết lập cơ sở pháp lý nhằm tạo niềm tin cho khu vực tư nhân đầu tư kinh doanh.

Năm 1989, Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định nhằm định chế các loại hình doanh nghiệp phát triển như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần để tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý.

Theo ông Trần Du Lịch, đây có thể xem là “luật chơi” đầu tiên ở Việt Nam để vận hành cơ chế thị trường, bảo đảm tính pháp lý cho các chủ thể kinh doanh. Việc chế định các loại hình doanh nghiệp này hai năm trước khi Quốc hội ban hành một đạo luật có liên quan, đã cho thấy sự bức xúc của thực tiễn, mà pháp luật đang còn bất cập.

Có thể nói, đây là cơ sở thực tiễn để Quốc hội khóa VIII ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1991.

Bên cạnh việc khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và trước tình hình kinh doanh yếu kém của doanh nghiệp nhà nước ở địa phương, năm 1992, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động đề xuất Chính phủ cho thực hiện thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Doanh nghiệp đầu tiên được thí điểm thành công và hiện nay đã trở thành một công ty cổ phần đại chúng niêm yết trên thị trường chứng khóan - đó là Công ty cơ điện lạnh REE. Đến năm 1996, chủ trương này đã trở thành chương trình chung của Chính phủ.

Cùng với thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thành phố đã thực hiện sớm việc tổ chức sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước của địa phương, thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể, tổ chức lại thành các đầu mối là các Tổng công ty nhà nước của địa phương.

Giai đoạn năm 1986-1990, nhiều tổ chức tín dụng tập thể được thành lập dưới dạng quỹ tín dụng, hợp tác xã tín dụng, trung tâm tín dụng và đầu tư… Bản chất các tổ chức tín dụng này là hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần. Từ thực tiễn đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên của cả nước-Ngân hàng cổ phần Sài Gòn công thương vào tháng 10/1987, ngân hàng xuất nhập khẩu Eximbank thành lập tháng 5/1989.

Sau đó, Quốc hội đã ban hành pháp lệnh Ngân hàng ngày 23/5/1990, tạo điều kiện cho loại hình ngân hàng thương mại cổ phần phát triển đến ngày hôm nay.

Huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển

Trong điều kiện pháp luật và chính sách chưa rõ ràng, Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương thực hiện mô hình đổi đất để xây dựng đường giao thông và xây dựng đô thị mới, điển hình là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng - một khu đầm lầy, vùng đất chua mặn đã phát triển thành khu đô thị Phú Mỹ Hưng với một đại lộ dài hơn 18km. Thành phố được mở rộng về phía Nam.

Tiến sỹ Dư Phước Tân, Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong quá trình đổi mới, cuối những năm 1980, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định mở lối, phát triển về phía Đông và Nam của đô thị hiện hữu.

Với chủ trương trên, các nhà đầu tư được kêu gọi đầu tư vào phát triển khu Nam với một loạt các công trình như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu chế xuất Tân Thuận…, nổi bật là khu đô thị Phú Mỹ Hưng - khu đô thị kiểu mẫu, đa chức năng của thành phố và cả nước.

Theo thống kê, hiện nay khu vực này có khoảng hơn 80 dự án nhà ở, gần 20 cơ sở y tế, 30 cơ sở giáo dục đào tạo đã hoàn thiện. Phú Mỹ Hưng còn có hơn 40 dự án trung tâm thương mại, dịch vụ với quy mô khác nhau.

Từ thực tiễn của mô hình này, việc “đổi đất lấy hạ tầng” được phát triển ở nhiều đô thị khác trong cả nước dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đứng trước tình hình thiếu vốn để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, thành phố đã đề xuất Trung ương cho thành lập một định chế tài chính của Nhà nước có chức năng huy động các nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế nhằm đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng đô thị thành phố (HIFU) ra đời năm 1997, sau này đã phát triển thành Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC), thực hiện chức năng “người mở đường” cho các dự án đầu tư kỹ thuật hạ tầng trọng điểm của thành phố.

Với mô hình này, nếu ngân sách thành phố bỏ ra 1 đồng, có thể thu hút các thành phần kinh tế khác đến 60 đồng.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hiện HFIC đang thực hiện nhiều phương thức huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng; phát huy vai trò “vốn mồi” từ ngân sách, qua chương trình kích cầu đầu tư, thu hút tốt hơn vốn đầu tư xã hội vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Trong những năm suy giảm kinh tế và lạm phát cao, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã rất sáng tạo, chủ động và thành công với chương trình bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát của cả nước.

Những năm gần đây, khi nợ xấu tăng cao, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn, thành phố đã triển khai trương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, giúp doanh nghiệp có được nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý và đáp ứng được nhu cầu vốn kinh doanh.

Thực hiện các chương trình này, hàng trăm nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi đã đến tay doanh nghiệp, phục vụ sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Marketing (hiện là Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh), thành công của Thành phố Hồ Chí Minh chứng minh vai trò quan trọng của Nhà nước và kinh tế Nhà nước trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là Nhà nước thực hiện chức năng hỗ trợ thị trường, không làm thay thị trường mà chỉ hạn chế những khuyết tật của thị trường, tham gia xử lý những bất ổn của thị trường.

Đánh giá về quá trình 30 năm đổi mới của Thành phố Hồ Chí Minh, phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh thực tiễn cho thấy, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) - Đại hội của Đổi mới, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế-xã hội; đã khơi dậy và giải phóng sức sản xuất, nguồn lực lớn từ trong nhân dân; các thành phần kinh tế được phát triển, kinh tế Nhà nước được sắp xếp lại, hoạt động ngày càng hiệu quả; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh chóng, có nhiều đóng góp quan trọng hơn vào sự phát triển kinh tế của thành phố cũng như của cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục