TP Hồ Chí Minh ưu tiên bình ổn giá tiêu dùng

TP.HCM khẳng định sẽ kéo dài thời gian bình ổn giá do sau khi giá xăng, điện, nước… hiện nhiều nhóm hàng trên địa bàn đã bắt đầu tăng.
Sau khi tăng giá xăng, điện, nước… hiện nhiều nhóm hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu tăng theo.

Thực tế đây là quy luật khó tránh khỏi, tuy nhiên việc tăng như thế nào là hợp lý và những giải pháp khả thi kiềm chế "con ngựa bất kham" về giá cả của các ngành chức năng là mong mỏi của người dân.

Xanh mặt vì giá

Sau Tết Nguyên đán, người tiêu dùng chưa hết nỗi lo điệp khúc "đến Tết giá lên" lại tiếp tục "choáng" với đợt tăng giá mới. Dễ nhận thấy nhất là hàng loạt nhóm hàng thiết yếu như sữa, khí đốt, vận tải, thực phẩm… đã đồng loạt tăng theo.

Giá cả biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến mãi lực kinh doanh của các tiểu thương và doanh nghiệp sản xuất.

"Giá tăng đã kéo chi phí sản xuất tăng theo, góp phần đẩy giá thành sản phẩm cao hơn từ 5-10%. Nhiều khách hàng ruột của công ty đã tính toán tiết kiệm bớt các lô hàng không cần thiết. Cứ cái kiểu này chắc công ty phải tinh giản lại nhân sự," anh Lâm Hiền Phước, giám độc một công ty chuyên về in ấn, xuất nhập khẩu ở quận 3 than thở.

Khảo sát tại chợ Bến Thành cho thấy, mãi lực kinh doanh chỉ đạt khoảng 80-90% so với cùng kỳ và rất nhiều người tiêu dùng được hỏi đều trả lời sẽ tính toán siết chặt lại chi tiêu hàng ngày trước chuỗi liên hoàn về tăng giá hiện nay.

Sẽ kéo dài thời gian bình ổn giá

Theo kế hoạch bình ổn giá cả các nhóm hàng thiết yếu phục vụ Tết, sau 2 tháng triển khai, chương trình sẽ kết thúc vào ngày 15/3.

Đánh giá sơ bộ của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh thấy, chương trình đã thành công khi kéo giảm được CPI của thành phố.

CPI tháng 2 của thành phố chỉ tăng 1,68% (cả nước 1,96%) và là tháng thứ 2 liên tiếp trong cao điểm Tết, CPI thành phố tiếp tục tăng thấp hơn bình quân cả nước.

Từ thành công này, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai Đề án chăn nuôi và Chiến lược tạo nguồn hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường giai đoạn 2010-2015.

Thành phố đã xác định lượng hàng hóa thực phẩm thiết yếu cần có để phục vụ người dân theo từng tháng, từng năm và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan thực hiện tổ chức sản xuất, chăn nuôi tạo nguồn hàng.

"Chương trình bình ổn được thực hiện không chỉ trong dịp Tết mà còn trong các tháng quanh năm. Đây là nỗ lực kiềm chế giá cả thị trường và chúng tôi tin sẽ thành công như dịp Tết vừa rồi," bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.

Ông Lê Minh Trung, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính thuộc Sở Công Thương cho biết, thành phố đang tăng cường kiểm tra hạn chế sự tăng giá vô tội vạ. Hiện 100% quận, huyện đã thành lập các tổ liên ngành về giá do Sở Tài chính là cơ quan chủ lực để giám sát, kiểm soát giá cả.

Sở cũng vừa kiến nghị lên Bộ Công Thương những giải pháp mạnh mẽ kiềm chế giá, đặc biệt là các mặt hàng nhạy cảm.

Tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký lại giá, nếu bán giá cao sẽ bị yêu cầu bán theo mức giá đăng ký lại. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thu phần chênh lệch giá, tước các loại giấy phép kinh doanh hoặc đề nghị xử lý hình sự.

Thành phố yêu cầu tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng trong diện bình ổn giá phải thực hiện đăng ký giá, không phân biệt là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục