TP.HCM công khai các khoản thu chi để tránh lạm thu

TP.HCM: Các trường công khai thu chi với phụ huynh

Các khoản thu, chi trong năm học mới sẽ được các trường trên địa bàn TP.HCM thông báo công khai trong ngày họp phụ huynh đầu năm.
Tại Hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2013-2014, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23/8, ông Phạm Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết hiện nay, vấn đề học phí và các khoản thu chi đầu năm học mới đang được dư luận quan tâm. Do vậy, các khoản thu, chi trong năm học mới sẽ được các trường trên địa bàn thành phố thông báo công khai trong ngày họp phụ huynh đầu năm.

Chủ trương của Ủy ban Nhân dân và ngành giáo dục thành phố là không để bất kỳ một học sinh nào trên địa bàn không được đến trường vì thiếu tiền đóng học phí.

Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính đã trình Ủy ban Nhân dân thành phố về việc thu học phí năm học 2013-2014 và đang chờ thành phố quyết định. Sở sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể cho Phòng Giáo dục và Đào tạo ở các quận, huyện thông báo và triển khai thực hiện tại các trường học trên địa bàn.

Điều đáng quan tâm là cách thu tại các trường. Nếu hiệu trưởng có cách thu không phù hợp nhưng lúc họp phụ huynh đầu năm các bậc phụ huynh không nói, sau đó mới phản ánh sẽ gây tâm lý không ổn định.

Nếu các khoản thu công khai, cách thu hợp lý và miễn giảm rõ ràng thì khó xảy ra việc lạm thu. Để làm được điều này rất cần sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến công khai các khoản thu chi đầu năm học mới.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần mạnh dạn trình bày hoàn cảnh của mình (đóng học phí theo từng tháng hoặc không đủ tiền đóng học phí) để các trường có hướng xử lý.

Ông Thanh cho biết hiện tại mỗi trường đều có chi Hội Khuyến học và ở địa phương là các hội đoàn thể thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, trường hợp nào khó khăn quá, không nằm trong đối tượng chính sách được miễn giảm học phí thì phụ huynh nên trình bày và báo cáo sớm để các đơn vị có biện pháp hỗ trợ kịp thời, tránh tình trạng học sinh phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí.

Theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa được thông qua ngày 13/7/2013 và áp dụng trong năm học 2013-2014, mức đóng góp học phí được điều chỉnh, chia thành 2 nhóm đối tượng tại thành phố gồm: Nhóm 1 là học sinh có gia đình sống ở các quận nội thành (quận 1,2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân). Nhóm 2 là học sinh có gia đình sống ở các huyện ngoại thành (huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè).

Học phí đối với nhà trẻ nhóm 1 là 150.000 đồng, nhóm 2 là 90.000 đồng; mẫu giáo nhóm 1 là 120.000 đồng, nhóm 2 là 60.000 đồng; trung học cơ sở nhóm 1 là 75.000 đồng, nhóm 2 là 60.000 đồng; bổ túc trung học cơ sở nhóm 1 là 112.000 đồng, nhóm 2 là 90.000 đồng; trung học phổ thông nhóm là 1 là 90.000 đồng, nhóm 2 là 75.000 đồng; bổ túc trung học phổ thông nhóm 1 là 135.000 đồng, nhóm 2 là 112.000 đồng. Riêng bậc tiểu học được miễn học phí ở cả 2 nhóm.

Năm học 2013-2014, toàn thành phố có khoảng 1,5 triệu học sinh với gần 41.700 lớp tại hơn 1.800 trường học; 1.314/38.442 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Riêng bậc mầm non năm nay tăng 29 trường so với năm học trước.

Năm 2013, thành phố đã chi trên 376 tỷ đồng để đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy và học tập cho các trường học. Toàn thành phố còn thiếu khoảng 300 giáo viên bậc mầm non, 500 giáo viên bậc tiểu học và bậc trung học cơ sở còn thiếu khoảng 400 giáo viên.

Ngoài việc thu chi đầu năm học, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh còn một số vấn đề cần có hướng xử lý kịp thời. Cụ thể, tại một số trường, sỹ số các lớp học đông do số lượng dân nhập cư nhiều; mạng lưới trường lớp các quận chưa phát triển đồng bộ, nhiều địa phương còn thiếu trường mầm non và tiểu học. Nhiều trường đề nghị nên cho phép điều chỉnh tăng khoản thu, ngoài khoản học phí theo quy định cho phù hợp với tình hình giá cả hiện nay như mức thu vệ sinh, tiền phục vụ bán trú; cán bộ y tế học đường hiện chỉ có 60% đáp ứng đủ chuẩn quy định...

Để khắc phục những hạn chế này, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đang phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai một số đề án, biện pháp thực hiện./.

Hứa Chung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục