TP.HCM "đau đầu" vì xử lý bùn thải công nghiệp

Hầu hết các doanh nghiệp, khu công nghiệp chưa coi bùn thải công nghiệp là nguy hại mà đổ thẳng ra môi trường, thậm chí bón cây.
Việc xử lý bùn thải công nghiệp đang là vấn đề nan giải của Thành phố Hồ Chí MInh, khi hầu hết lượng bùn thải của các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu chế xuất-khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn chưa được các đơn vị thải ra coi là chất thải nguy hại và xử lý đúng cách.

Nguy hiểm hơn, nhiều khu công nghiệp còn đem bùn thải có chứa chất độc hại đổ ra môi trường hoặc bón cây.

Hiện nay, khoảng trên 60% lượng bùn thải phát sinh từ các hệ thống xử lý nước thải tập trung của các doanh nghiệp, các khu chế xuất-khu công nghiệp, các cụm công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh có chứa các chất nguy hại làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Đây là kết quả nghiên cứu trên 106 mẫu bùn thải của các đơn vị trên, được Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Phước Dân của Viện Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố.

Cụ thể như bùn thải của Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) và Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) được xếp vào loại nguy hại hỗn hợp do chứa hàm luợng kim loại nặng và các chất hữu cơ độc hại vượt tiêu chuẩn.

Bùn thải từ các khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Tân Tạo ( Bình Chánh), Tây bắc Củ Chi (huyện Củ Chi), Linh Trung 2 (quận Thủ Đức)  cũng có hàm luợng các chất hữu cơ độc hại vượt tiêu chuẩn quy định.

Giữa tháng 6/2009, Sở Tài nguyên Môi trường thành phố đã khởi công xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại đầu tiên ở bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) với tổng vốn đầu tư 95 tỷ đồng. Nhưng khi hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 12/2009, nhà máy này cũng chỉ có công suất xử lý 21 tấn rác thải nguy hại/ngày, rất thấp so với khối luợng bùn thải nguy hại thải ra mỗi ngày của thành phố.

Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Phước cho rằng để giải quyết vấn đề trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng có quy định các tiêu chí về phân loại bùn thải công nghiệp cụ thể cho từng ngành nghề và các địa phương cần đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải nguy hại (trong đó có bùn thải) có công suất phù hợp.

Theo ông Phước, giải pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp giảm đáng kể sức ép trong việc xử lý lượng chất thải nguy hại quá tải hiện nay, đồng thời tận dụng lượng bùn thải không  nguy hại làm phân bón, giảm bớt chi phí xử lý và giảm ô nhiễm môi trường./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục