TP.HCM đẩy nhanh xây các nhà máy tái chế rác

Sở Tài nguyên-Môi trường TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có gần 10 nhà máy tái chế rác sinh hoạt đang được xây dựng.
Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có gần 10 nhà máy tái chế rác sinh hoạt đang được xây dựng, trong đó có một số nhà máy đang được khẩn trương hoàn thành và đi vào hoạt động ngay trong năm 2010.

Các nhà máy này bao gồm nhà máy chế biến phân compost công suất 500 tấn/ngày của Công ty xử lý chất thải rắn Việt Nam, nhà máy chế biến phân compost của Công ty Vietstar có công suất giai đoạn 1 là 600 tấn/ngày đã vận hành thử và sẽ chính thức đi vào hoạt động ổn định trong năm 2010.

Ngoài ra, nhiều nhà máy xử lý rác khác đang được khẩn trương xây dựng và sẽ đi vào hoạt động trong những năm kế tiếp như nhà máy chế biến phân hữu cơ vi sinh công suất 1.000 tấn/ngày của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tâm Sinh Nghĩa dự kiến sẽ vận hành từ năm 2011; nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn công suất 500 tấn/ngày theo công nghệ Seraphin của Công ty Thành Công dự kiến sẽ vận hành từ năm 2012; nhà máy đốt rác thành điện đầu tiên của thành phố có công suất xử lý 1.000-2.000 tấn rác/ngày của Công ty Keppel Seghers Engineering sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2014, nhà máy xử lý rác công suất 500 tấn/ngày do Công ty Môi trường Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư dự kiến sẽ đi vào vận hành từ năm 2012.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh thải ra khoảng 6.400 tấn rác sinh hoạt, trong đó rác có nguồn gốc từ thực phẩm có thể tái chế thành những loại phân bón hoặc được đốt để tạo ra khí gas làm nhiên liệu phát điện chiếm tỷ lệ từ 80-90%.

Tuy nhiên, đến nay, 100% lựợng rác thải sinh hoạt của thành phố chỉ được xử lý bắng biện pháp chôn lấp ở hai bãi rác chính của thành phố là bãi Đa Phước (huyện Bình Chánh) và bãi Phước Hiệp (huyện Củ Chi) vừa tốn kém kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý (khoảng trên 600 tỷ đồng/năm) mà còn tốn một diện tích đất khá lớn để chôn lấp.

Do vậy, từ năm 2005, dự án phân loại rác tại nguồn để thu gom, xử lý và tái chế rác thành phân compost và các loại nguyên, vật liệu hữu ích khác đã được thành phố triển khai thí điểm ở quận 6 và nhân rộng ra các quận 5, 6, 10... Theo Sở Tài nguyên-Môi trường việc phân loại rác tại nguồn thành công sẽ giúp thành phố tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đồng mỗi ngày.

Thế nhưng vì thực hiện thiếu đồng bộ và chưa chuẩn bị đủ các phương tiện thu gom, vận chuyển rác chuyên dùng nên thời gian qua chương trình phân loại rác tại nguồn chưa mang lại hiệu quả thiết thực vì khi người dân thực hiện xong việc phân loại thì công tác thu gom rác lại nhập chung. Sau đó, rác đem về bãi chỉ chôn lấp chứ chưa có nhà máy chế biến rác, gây lãng phí công sức của người dân và tiền của Nhà nuớc rất lớn.

Vì vậy, cách đây gần 10 năm, thành phố đã có nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, đầu tư.. và thu phí xử lý rác khá cao nhằm kêu gọi các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các dự án xây dựng các công trình xử lý rác thải, xây dựng nhà máy tái chế rác thải thành phân compost, khí gas sản xuất điện...để hạn chế việc phải chôn lấp rác thải như hiện nay và biến rác thành tiền.

Kết quả, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nuớc đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào xử lý và tái chế rác thải của thành phố như Công ty xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã đầu tư trên 90 triệu USD xây dựng khu xử lý rác tại xã Đa Phước huyện Bình Chánh có quy mô 128ha và xây dựng nhà máy chế biến rác thải thành phân compost.

Tuy nhiên hiện nay VWS cũng mới thực hiện việc tiếp nhận khoảng 3.000 tấn rác/ngày và xử lý bằng cách đem chôn lấp, còn nhà máy phân loại, chế biến phân compost có công suất 500tấn/ngày vẫn chưa đi vào hoạt động.

Tương tự, hiện còn nhiều công trình xử lý rác của các doanh nghiệp khác được đầu tư công nghệ hiện đại, vốn đầu tư cao.... đang trong quá trình xây dựng chưa hoạt động như nhà máy của Công ty Vietstar xây dựng từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư khoảng 53 triệu USD với công suất xử lý rác là 1.200 tấn/ngày hoặc nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty Tâm Sinh Nghĩa xây dựng ở xã Thái Mỹ ( huyện Củ Chi) trên diện tích 20ha với tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng có công suất xử lý 1.000 tấn rác/ngày.

Nguyên nhân, theo ông nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, là do vốn đầu tư vào các nhà máy chế biến rác khá lớn, nhưng lại gặp khủng hoảng kinh tế và một số khó khăn về mặt thủ tục... nên tiến độ xây dựng nhà máy của nhiều nhà đầu tư nuớc ngoài bị chậm lại.

Ngoài ra, do chương trình phân loại rác tại nguồn của Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện được cũng làm cho việc tái chế rác thành phân compost chưa thực hiện nhanh được./.

Hoàng Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục