TP.HCM: Điều trị khẩn cấp cho bệnh nhân thủng ngực do tiêm silicon

Trong một tháng trở lại đây Bệnh viện thẩm mỹ JW, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận điều trị khẩn cấp cho 7 trường hợp biến chứng sử dụng các chất làm đầy không rõ nguồn gốc.
TP.HCM: Điều trị khẩn cấp cho bệnh nhân thủng ngực do tiêm silicon ảnh 1Êkíp bác sỹ Bệnh viện thẩm mỹ JW đưa khối silicon ra khỏi ngực phải bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 26/4, tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vừa thực hiện điều trị khẩn cấp cho liên tiếp các ca biến chứng nặng do tiêm chất làm đầy. Đặc biệt, một trường hợp thủng ngực do tiêm silicon.

Theo tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Phan Tú Dung, trong một tháng trở lại đây Bệnh viện thẩm mỹ JW đã tiếp nhận điều trị khẩn cấp cho 7 trường hợp biến chứng sử dụng các chất làm đầy không rõ nguồn gốc gồm 1 trường hợp nạo filler mũi; 3 trường hợp rút chỉ mũi, 3 trường hợp nạo silicon ngực.

Trong đó nặng nhất là trường hợp của bệnh nhân N.T. T.H (40 tuổi, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì ngực bên phải bị thủng lỗ sâu, vùng da ngực bị hoại tử nham nhở gần 6cm2, máu và chất dịch lạ tuôn ra liên tục.

Thông qua khám cận lâm sàng và khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết đã làm đầy ngực bằng cách tiêm silicon lỏng vào vùng ngực. Tổng cộng bệnh nhân đã nâng ngực bằng phương pháp tiêm silicon dạng lỏng tại Trung Quốc lần đầu cách đây 20 năm và lần 2 cách đây 15 năm.

Thế nhưng từ đầu năm nay bệnh nhân nhận thấy ngực phải ngày càng căng cứng và xuất hiện đốm màu tím ngày càng sậm màu. Gần đây nhất trên ngực phải bỗng xuất hiện 1 lỗ thủng sâu, to, miệng vết thương liên tục chảy dịch vàng đục, quá đau nhức nên bệnh nhân quyết định đi khám.

Bác sỹ Nguyễn Phan Tú Dung nhận định, do silicon quá nhiều và mũi tiêm quá sâu đã chọc thẳng vào cả mô tuyến và cơ ngực. Hậu quả là tạo thành các khối ápxe, khối u xơ cứng. Vì các khối ápxe quá to nên đã phá hủy thành ngực và các mô mềm, tạo thành "lỗ rò lớn ngoài da."

[Độn thái dương tại cơ sở thẩm mỹ không phép, 1 nam giới phải cấp cứu]

Các bác sỹ quyết định cho nữ bệnh nhân này phẫu thuật khẩn cấp nhằm ngăn ngừa tình trạng hoại tử ngực diễn ra trầm trọng hơn. Quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do silicon đã ngấm vào các mô mỡ và mạch máu khiến vùng ngực bị đâm thủng và hoại tử, khó xác định ranh giới mô tuyến, mô cơ với silicon.

“Chúng tôi đã mất hơn 5 tiếng đồng hồ để thực hiện nạo vét toàn bộ silicon vón cục, cắt lọc mô hoại tử, tạo hình khép lỗ thủng trên ngực phải của bệnh nhân,” bác sỹ Dung chia sẻ.

Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, bảo tồn được ngực phải và được truyền kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Bác sỹ Nguyễn Phan Tú Dung khuyến cáo, việc sử dụng silicon lỏng trong giải phẫu thẩm mỹ đã bị cấm vì chúng gây ra nhiều tác dụng phụ và những biến chứng nguy hiểm khác. Vì vậy, chị em phụ nữ khi quyết định làm đẹp cần hiểu kỹ để tránh tiền mất, tật mang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục