TP.HCM đưa tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 vào tiêu chí thi đua

Tính đến 21/9, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi nhắc lại lần 1 và lần 2 của người từ 18 tuổi trở lên tại TP.HCM chỉ đạt lần lượt là 66,3% và 52% (trong khi trung bình cả nước là 77,5% và 78,8%).
TP.HCM đưa tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 vào tiêu chí thi đua ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Trước tình hình tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 5 tuổi trở lên tại Thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn so với bình quân cả nước, mới đây Ủy ban Nhân dân Thành phố đã gửi công văn yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đẩy mạnh công tác tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lấy tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của các đơn vị, địa phương trong năm 2022.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về lợi ích tiêm vaccine đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân để có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêm vaccine, tích cực phối hợp trong công tác tiêm chủng, đồng thời truyền thông phản bác các thông tin phản khoa học, không đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Y tế tiếp tục duy trì tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động trong tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ và sẵn sàng tăng thêm các đội tiêm theo yêu cầu tại các điểm tiêm cộng đồng, tại các trường học.

Ngoài ra, các đơn vị đa dạng hóa hình thức tiêm vaccine cho người dân. Trong đó, người thuộc nhóm nguy cơ có thể tiêm tại cơ sở y tế; học sinh có thể tiêm tại trường học; công nhân có thể tiêm tại khu công nghiệp, khu chế xuất; người già, neo đơn có thể tiêm tại các điểm tiêm lưu động trong khu dân cư hoặc nhân viên y tế sẽ đến tiêm tại nhà người dân..., tạo điều kiện thuận tiện cho người dân dễ tiếp cận, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Sở Y tế cũng cần theo dõi, giám sát, đánh giá tỷ lệ tiêm của từng quận, huyện, từng cơ sở giáo dục, theo từng lứa tuổi để đề xuất các giải pháp can thiệp phù hợp và chuẩn bị tổng kết Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 của thành phố trong năm 2022; triển khai đánh giá miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế quán triệt đội ngũ nhân viên y tế, người lao động trong toàn ngành phải tiêm vaccine đầy đủ và đưa con, em từ 5 đến dưới 18 tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ liều, đúng lịch.

[Chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 5]

Mỗi nhân viên y tế phải là tuyên truyền viên tại gia đình, cộng đồng về tiêm vaccine phòng COVID-19; tuyệt đối không tuyên truyền những thông tin phản khoa học, không đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiêm vaccine phòng COVID-19.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đợt khảo sát từng học sinh trong độ tuổi tiêm theo quy định về tiền sử mắc COVID-19 (trong vòng ba tháng), tiền sử tiêm vaccine phòng COVID-19; thống kê, cập nhật tỷ lệ tiêm chủng của từng trường, lập danh sách học sinh trong độ tuổi tiêm vaccine nhưng chưa tiêm để phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp phù hợp.

Sở Giáo dục và Đào tạo đưa tỷ lệ tiêm vaccine của từng trường vào tiêu chí thi đua của ngành giáo dục, đồng thời tăng cường truyền thông cho phụ huynh về sự cần thiết tiêm chủng.

Mỗi giáo viên phải gương mẫu trong việc tiêm vaccine cho bản thân và đưa con, em từ 5 đến dưới 18 tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ liều, đúng lịch. Mỗi giáo viên phải là tuyên truyền viên tại gia đình và cộng đồng về tiêm vaccine phòng COVID-19.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp ngành y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc đưa tin không đúng, không chính xác, thiếu cơ sở khoa học về lợi ích của tiêm vaccine phòng COVID-19 trên các nền tảng xã hội; tuyên truyền về lợi ích tiêm vaccine.

Đồng thời, các bên liên quan phải truyền thông phản bác các thông tin phản khoa học, không đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiêm vaccine phòng COVID-19 trên tất cả các phương tiện truyền thông như báo giấy, báo mạng, đài truyền hình, đài phát thanh, nền tảng mạng xã hội...

Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức được giao tổ chức đợt khảo sát “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng" thuộc diện phải tiêm vaccine để cập nhật tình hình mắc COVID-19 trong vòng ba tháng, tiền sử tiêm vaccine phòng COVID-19 của người dân; lập danh sách người dân thuộc diện phải tiêm vaccine theo quy định nhưng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ (trên 50 tuổi, mắc bệnh nền) đang cư trú trên địa bàn, phân tích nguyên nhân (do chưa đồng thuận, do mắc COVID-19 trong vòng ba tháng, do chống chỉ định...); vận động, thuyết phục người dân tiêm vaccine để có kế hoạch tổ chức tiêm phù hợp.

Các địa phương tăng cường truyền thông đến từng hộ gia đình; có biện pháp vận động, thuyết phục đến từng người chưa tiêm; tổ chức gửi giấy mời để mời các đối tượng là người dân trên địa bàn đến các điểm tiêm để tiêm vaccine phòng COVID-19. Kết quả đánh giá là cơ sở để Ủy ban Nhân dân thành phố xếp loại thi đua từng cho địa phương, đơn vị năm 2022.

Tính đến ngày 21/9, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lần 1, nhắc lại lần 2 của người từ 18 tuổi trở lên tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt lần lượt là 66,3% và 52% (trong khi trung bình cả nước là 77,5% và 78,8%).

Mũi nhắc lần 1 của trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi chỉ đạt 34,5% (trung bình cả nước là 57,5%). Mũi 1, mũi 2 của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi lần lượt là 62,4% và 34,9% (trung bình cả nước là 88,2% và 60,4%)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục