TP.HCM khắc phục ô nhiễm do nước thải bệnh viện

TP. HCM đã dành cho ngành y tế 60 tỷ đồng/năm để xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho bệnh viện và cho phép thực hiện xã hội hóa.
Trong điều kiện mới có khoảng 1/3 trong tổng số 139 bệnh viện trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, Thành phố Hồ Chí Minh đã dành cho ngành y tế 60 tỷ đồng/năm để xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các bệnh viện.

Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho phép các bệnh viện được thực hiện chủ trương xã hội hóa và áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt trong việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Theo đó, những bệnh viện nào có đủ chuyên môn để lập dự án đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải thì Sở Tài nguyên-Môi trường phê duyệt phương án kỹ thuật, sau đó chuyển cho Sở Y tế để được cấp vốn đầu tư.

Đối với những bệnh viện không có đủ chuyên môn để lập phương án xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải thì giao cho doanh nghiệp, công ty nào có đủ năng lực trực tiếp đầu tư. Phần còn lại, các bệnh viện sẽ trả chi phí xử lý cho đơn vị đầu tư.

Thực hiện chủ trương này, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Hùng Vương đã khởi công xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo hình thức xã hội hóa do Công ty Việt Nhật bỏ vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng và sử dụng công nghệ phân tử, tia hồng ngoại có bước sóng dài để phá hủy các chất ô nhiễm thay vì sử dụng hóa chất để xử lý nước thải.

Tương tự, Bệnh viện Từ Dũ, Nhân dân Gia Định cũng đã và đang thực hiện chủ trương xã hội hóa hệ thống xử lý nước thải; nhiều bệnh viện khác đang đẩy nhanh các thủ tục để có thể khởi công xây dựng hệ thống xử lý nước thải vào những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010.

Theo Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, hiện mỗi ngày các bệnh viện thải trực tiếp khoảng 20.000m3 nước thải chưa qua xử lý ra hệ thống cống thoát nuớc công cộng của thành phố, gây ô nhiễm nguồn nuớc các kênh rạch, sông ngòi và gây ảnh huởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng.

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, hệ thống xử lý nước thải của phần lớn bệnh viện trên địa bàn thành phố đã xuống cấp và lạc hậu vì được xây dựng từ hàng chục năm qua.

Điển hình như hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng từ những năm 1960, có công suất chỉ đáp ứng cho khoảng 500 giường bệnh và nhiều năm qua hệ thống xử lý nước thải này không được nâng cấp cải tạo lại, trong khi số lượng bệnh nhân ngày càng đông, khoảng hơn 30.000 người/ngày, làm cho lượng nước thải ngày càng nhiều, không thể xử lý hết, vuợt xa công suất thiết kế ban đầu.

Tình trạng trên cũng khá phổ biến tại các bệnh viện khác như Nguyễn Tri Phương, Ung bướu, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hoàn Mỹ, Tai Mũi Họng (Trần Quốc Thảo).../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục