"Khát" lao động thời vụ

TP.HCM "khát" lao động phổ thông, thời vụ cuối năm

Nhu cầu nguồn nhân lực của TP.HCM trong dịp cuối năm đang có xu hướng tăng đột biến, nhất là lao động thời vụ và lao động phổ thông.
Nhu cầu nguồn nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng tăng đột biến nhất là lao động thời vụ và lao động phổ thông, trong bối cảnh các dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán tới gần và các doanh nghiệp đang “chạy đua” sản xuất .

Ông Tô Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên cho biết, các công ty đăng kí nhu cầu tuyển dụng tại trung tâm là gần 500 chỉ tiêu, chủ yếu là các công việc có tính chất bán thời gian như thu ngân ở siêu thị, bán hàng, phát hành, gia công lịch, gói hàng tết.

Bình quân mỗi ngày tại trung tâm có khoảng 200-300 lượt sinh viên, thanh niên đến tìm việc làm.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm của Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất thành phố, hiện các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển 5.000 lao động và các ngành như điện tử, cơ khí, thủy sản, may mặc; mức lương dao động từ 1,5-1,8 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, nhu cầu này cũng chỉ được đáp ứng 30% do vào dịp cuối năm, người lao động vẫn cố “bám chân” trong các công ty đang làm để được hưởng chế độ lương-thưởng. Trong khi vào thời điểm cuối năm không phải là thời điểm mà lao động ngoại tỉnh đổ về thành phố.

Không tuyển đủ chỉ tiêu lao động, doanh nghiệp phải tính đến giải pháp tăng ca, phân bổ một nhân công cho nhiều việc, nhiều giai đoạn sản xuất.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, xu hướng phát triển của nhóm nghề dệt may-giày da-thủ công mỹ nghệ năm 2010 ở mức 19%, là mức cao nhất so với các nhóm ngành nghề còn lại.

Trong khi đó, nhóm ngành nghề công nghệ thông tin-viễn thông (nhóm ngành nghề mũi nhọn) chỉ ở mức khiêm tốn 7,7 %.

Nhu cầu sử dụng nhân lực có trình độ trên đại học, đại học chỉ ở mức rất thấp trong khi công nhân kỹ thuật lành nghề và lao động chưa qua đào tạo ở mức cao nhất là 30,7% và 27,6%.

Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, riêng tháng 12, nhu cầu lao động phổ thông, sơ cấp nghề tăng mạnh, phục vụ cho các ngành nghề: bán hàng, dịch vụ, phục vụ ăn uống, bán sản phẩm hàng hóa, các ngành gia công sản xuất hàng dân dụng, chế biến thực phẩm, trang trí nội thất và sửa chữa xây dựng nhỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục