TP.HCM kiến nghị giữ lại phí bảo đảm hàng hải qua luồng Soài Rạp

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép giữ lại 100% phí bảo đảm hàng hải qua luồng Soài Rạp từ năm 2015-2042 để tạo nguồn trả nợ vay.
TP.HCM kiến nghị giữ lại phí bảo đảm hàng hải qua luồng Soài Rạp ảnh 1Thi công nạo vét luồng Soài Rạp. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố tổ chức thực hiện công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải Soài Rạp và được giữ lại 100% phí bảo đảm hàng hải qua luồng trong khoảng thời gian từ năm 2015-2042 (bằng thời gian trả nợ vay của dự án) để tạo nguồn trả nợ vay.

Theo phân cấp, công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải do trung ương tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, luồng Soài Rạp nằm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và khả năng thông thương trên tuyến luồng này tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Do vậy, Ủy ban Nhân dân thành phố cho rằng, nếu thành phố được giao thực hiện công tác nạo vét duy tu, duy trì chuẩn tắc luồng Soài Rạp, sẽ phát huy được khả năng chủ động, thực hiện công tác duy tu, duy trì chuẩn tắc luồng ngay khi cần thiết, giảm thiểu tối đa các yếu tố rủi ro và phù hợp với tình hình thực tiễn đối với hoạt động khai thác luồng hàng hải Soài Rạp như hiện nay.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) bằng nguồn vốn vay từ Chính phủ Bỉ.

Dự án được vay lại thông qua Bộ Tài chính với tổng giá trị khoản vay là 63 triệu EUR, thời gian trả nợ trong 30 năm (từ năm 2013 - 2042), giá trị nợ phải trả là 76,6 triệu EUR, tương đương 2.124 tỷ đồng.

Vốn đối ứng của dự án tương đương 624 tỷ đồng do Ủy ban Nhân dân thành phố tự cân đối trong ngân sách hàng năm.

Đến nay, dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác kể từ ngày 19/6/2014. Qua hơn 6 tháng khai thác, tuyến luồng hàng hải Soài Rạp đã được sử dụng an toàn, đúng mục tiêu đầu tư, phát huy hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Về nghĩa vụ tài chính, Thành phố Hồ Chí Minh đã chi trả 80 tỷ đồng trong năm 2014 cho các khoản vay lại từ Bộ Tài chính. Trong 10 năm tiếp theo (2015-2024), chi phí trả nợ vay trung bình khoảng 200 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, với đặc điểm là luồng vừa mới hình thành nên việc sa bồi sẽ diễn ra nhanh với khối lượng lớn trong những năm đầu khai thác (lượng sa bồi hàng năm khoảng 2,5 triệu m3, chi phí duy tu khoảng 334 tỷ đồng/năm). Do đó, việc duy trì chuẩn tắc luồng theo đúng thiết kế, đảm bảo mục tiêu của dự án là hết sức quan trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục