TPHCM: Nhân lực chất lượng cao cũng thất nghiệp

Ngoài lao động phổ thông tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn xuất hiện thêm lao động có tay nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo nhận định của ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, do tình hình kinh tế năm 2012 tiếp tục còn nhiều khó khăn, nên tháng 3/2012 và những tháng kế tiếp sẽ không tránh khỏi sự dịch chuyển lao động gắn với tình trạng thất nghiệp.

 

Hiện tượng thất nghiệp và số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp vẫn theo xu hướng không ổn định; ngoài lao động phổ thông tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn xuất hiện thêm lao động có tay nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Tình trạng thất nghiệp là hệ lụy của nhiều yếu tố về kinh tế, xã hội, trong đó rõ ràng nhất là sự dịch chuyển chỗ làm, tìm việc mới của người lao động do họ muốn thay đổi chỗ làm để có thu nhập cao hơn. Một lượng lớn sinh viên, học sinh mới tốt nghiệp chưa chọn được hoặc chưa xin được việc cũng “gia nhập” vào lực lượng này.

 

Rất nhiều người tự tạo việc làm, làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, với mức thu nhập không cao, nhưng họ lại không kê khai là có việc làm. Bên cạnh đó, còn có nhiều đối tượng thật sự khó tìm được việc làm do tình trạng sức khỏe, lớn tuổi, không muốn đi làm xa nơi cư trú.

 

Tháng 2/2012, chỉ số nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ đại học ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm 12,51%; cao đẳng là 11,27%, trung cấp là 17,71%, còn lại là lao động phổ thông; tập trung vào một số ngành nghề như marketing-nhân viên kinh doanh, kế toán-kiểm toán, bán hàng, xây dựng-kiến trúc, giáo dục-đào tạo-thư viện, quản lý điều hành, quản lý nhân sự-hành chính văn phòng, công nghệ thông tin, điện-điện lạnh-điện công nghiệp, cơ khí…

 

Chỉ số nguồn cung tháng 2/2012 tăng 54,95% so tháng 2/2011 ở hầu hết các ngành nghề; trong đó có những ngành nghề cạnh tranh cao như kế toán-kiểm toán, marketing, công nghệ thông tin, cơ khí, bán hàng, bất động sản,…

 

Tuy vậy, tình trạng nhân lực được đào tạo những chuyên ngành này cũng khó tìm được việc, do chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ năng và ngoại ngữ. Điều này có thể giải thích vì sao chỉ có 50% sinh viên ra trường có việc làm, kể cả làm trái nghề.

 

Điển hình là mới đây Huỳnh Ngọc Thành, (22 tuổi) tân cử nhân Đại học Tài chính Marketing thành phố Hồ Chí Minh đã phải đạp xe một ngày trời trên các đường phố Sài Gòn, với tấm bìa carton “tiếp thị” bản thân mong tìm được một công việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, gây xôn xao dư luận.

 

Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, tháng 3/2012 các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển dụng khoảng 35.000 lao động tập trung vào các ngành nghề như: dệt may-da giày, xây dựng, cơ khí, điện-điện tử, viễn thông, marketing, dịch vụ-phục vụ… Trong đó nguồn lao động phổ thông chiếm khoảng 50% nhu cầu tuyển dụng, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 15%./.

Trần Xuân Tình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục