TP.HCM: Nhiều dịch bệnh “hạ nhiệt” trong mùa nắng nóng

So với các tháng đầu năm 2015, hầu hết các dịch bệnh đang lưu hành ở TP.HCM như sốt xuất huyết, thủy đậu đều có xu hướng giảm mạnh.
TP.HCM: Nhiều dịch bệnh “hạ nhiệt” trong mùa nắng nóng ảnh 1Chăm sóc bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Mặc dù đang trong thời điểm nắng nóng ở khu vực Nam bộ nhưng các loại dịch bệnh lưu hành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều bắt đầu giảm mạnh. Tuy nhiên, ngành y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là trong việc phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, so với các tháng đầu năm 2015, hầu hết các dịch bệnh đang lưu hành trên địa bàn như sốt xuất huyết, thủy đậu đều có xu hướng giảm mạnh.

Cụ thể, dịch bệnh sốt xuất huyết đang giảm chậm hàng tuần. Từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận 3.757 ca, trong đó số ca mắc sốt xuất huyết tháng 4/2015 là 496 ca, giảm 35% so với tháng 3/2015.

Có 8 quận, huyện giảm hơn 50% như Quận 1, 2, 8, Bình Thạnh, Bình Tân...Sốt xuất huyết đang ở giai đoạn có số ca mắc thấp nhất trong năm và đang ở đáy của chu kỳ dịch hàng năm, do thời tiết khô nóng, số ổ dịch ít.

Trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố liên tiếp xuất hiện các chùm ca bệnh truyền nhiễm thủy đậu, quai bị…ở 7 trường tiểu học, mầm non. Tuy nhiên, đến nay, các ca bệnh này đã được khống chế, không ghi nhận thêm số ca mắc mới nào.

Riêng bệnh tay chân miệng trong tháng 4, toàn thành phố ghi nhận 631 ca mắc, tăng 14% so với tháng 3. Mặc dù số ca mắc tay chân miệng trong tháng 4 có tăng nhưng vẫn trong diễn tiến bình thường do đây cũng là thời điểm đầu tiên của đỉnh dịch tay chân miệng.

Từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận 2.139 ca, giảm 28% so với cùng kì năm 2014.

Tuy dịch bệnh có chiều hướng giảm, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không nên chủ quan, do thời tiết nắng nóng kéo dài đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát tán của các loại vi khuẩn, virus gây bệnh truyền nhiễm.

Để tránh nguy cơ mắc bệnh, người dân nên thực hiện chủng ngừa đối với các loại bệnh đã có vắcxin; ăn chín uống sôi; giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thoáng mát; rửa tay thường xuyên bằng xà bông sát khuẩn; khử khuẩn hàng ngày đối với đồ chơi của trẻ và sàn nhà nơi trẻ vui chơi…

Mặt khác, do khu vực Nam bộ sắp bước vào mùa mưa, dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng các ca mắc theo mùa. Do đó, trong thời gian tới, người dân nên chủ động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố sẽ phối hợp với các Sở, ngành chức năng tổ chức đợt cao điểm phòng chống sốt xuất huyết trong tháng 6, nhằm hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết 15/6.

Đồng thời, ngành y tế cũng tập trung kiểm soát dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại 8 quận, huyện trọng điểm có nhiều ca mắc các bệnh này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục