TP.HCM "nóng" tình trạng bán gia cầm trái phép

Là một thị trường tiêu thụ gia cầm lớn, TP.HCM đang là “điểm nóng” về tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm từ các tỉnh lân cận về tiêu thụ.
Kể từ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đến nay, trước điều kiện thời tiết bất lợi cùng với các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm và di chuyển của người dân tăng cao, dịch cúm gia cầm đang quay trở lại và bùng phát thành dịch tại nhiều địa phương.

Là một thị trường tiêu thụ gia cầm lớn, Thành phố Hồ Chí Minh đang là “điểm nóng” về tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm từ các tỉnh lân cận về tiêu thụ.

Nguy cơ “dịch” từ những điểm bán gia cầm lậu

Lợi dụng sức tiêu thụ gia cầm, thủy cầm sau Tết Nguyên đán của người dân Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh, các thương lái đã vận chuyển gia cầm trái phép từ các tỉnh vào thành phố bằng nhiều con đường khác nhau để trốn trạm kiểm dịch như: vận chuyển bằng nhiều loại xe du lịch, xe buýt, xe máy… Dọc các tuyến đường từ các tỉnh miền Tây về Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng buôn bán gia cầm trái phép trên địa bàn vẫn đang diễn ra công khai, phức tạp.

Chỉ riêng tuyến Quốc lộ 50 (đoạn qua xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) có tới 5 điểm bán gia cầm tự phát trái phép, gần cầu Tân Tạo (tỉnh lộ 10, huyện Bình Chánh) có 7 điểm, khu vực cầu Trường Đai (Quận Gò Vấp) có khoảng 6 điểm bán… Các điểm này thường hoạt động vận chuyển, mua bán nhộn nhịp khoảng từ 1 giờ đến 4 giờ sáng, giá bán tại những điểm bán này thường rẻ hơn giá ở những cửa hàng bán gia cầm đã qua kiểm dịch khoảng 15.000-20.000 đồng/con, vì vậy cũng thu hút một lượng lớn người mua.

Đồng thời, các điểm bán này cũng khôn khéo chỉ bày bán vài con gia cầm để đánh lừa các cơ quan chức năng và nếu có bị tịch thu cũng không thiệt hại nhiều. Nhưng thực chất khi khách hỏi mua số lượng bao nhiêu thì chủ hàng cũng sẵn sàng đáp ứng.

Tại một điểm bán gia cầm trên đường Hà Huy Giáp (Phường Thạnh Lộc, Quận 12) chỉ bày bán vài con gà, nhưng khi chúng tôi hỏi mua với số lượng lớn thì người bán cho biết: “Số gà này tôi chỉ bày bán để dẫn mối còn nếu muốn lấy bao nhiêu tôi cũng sẵn sàng cung cấp đủ, gà bán ở đây là gà nhà nuôi chứ không phải lấy mối nên giá rẻ hơn, đảm bảo không có chuyện là gà bệnh.”

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 4 trạm kiểm dịch động vật đặt tại các cửa ngõ vào thành phố là Thủ Đức, An Lạc, Hóc Môn, Xuân Hiệp, có nhiệm vụ kiểm dịch động vật và ngăn chặn hàng không có giấy phép kiểm dịch, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo... vào thành phố. Tuy nhiên, hầu như ngày nào các trạm kiểm dịch trên cũng phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, vẫn còn không ít nguồn hàng cố ý trốn trạm kiểm dịch và lọt “lưới” kiểm dịch.

Trung bình mỗi ngày Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 180.000-200.000 con gia cầm sống, trong đó bao gồm giết mổ tại chỗ, gia cầm đã giết mổ được nhập về từ các tỉnh, gia cầm ngoại nhập. Với sức tiêu thụ lớn như vậy, nếu tình hình buôn bán gia cầm trái phép không bị khống chế ngay từ bây giờ, thì sẽ không loại trừ khả năng bùng phát thành “ổ dịch” và gây mầm bệnh cho người dân bất cứ lúc nào.

Tăng cường xử lý vi phạm, chủ động phòng chống dịch


Được biết, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm phát sinh tại 4 xã của 4 huyện thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng làm 1.683 con gia cầm mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 4.032 con, trong đó có 3.610 con vịt và 422 con gà . Ngoài ra, một số địa phương như Nghệ An, Bạc Liêu, Kiên Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, bắt đầu có hiện tượng gia cầm mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm. Tuy nhiên, Cục Thú y chưa có xét nghiệm dịch tễ chính thức ở các địa phương này.

Theo Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh, sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và các quận, huyện đã tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vận chuyển, kinh doanh giết mổ gia cầm trái phép, kinh doanh sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc… Tuy nhiên, tình hình kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vẫn không giảm và có chiều hướng gia tăng cao.

Qua kiểm tra, Chi cục thú y ghi nhận còn tồn tại 163 điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép, 91 điểm kinh doanh sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tập trung tại các địa bàn huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận Gò Vấp, 12, Bình Tân… vì vậy nguy cơ dịch cúm gia cầm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân là rất cao.

Trong tuần qua, Chi cục Thú y đã tiêu hủy nhiều gia cầm và sản phẩm gia cầm vận chuyển, kinh doanh trái phép. Cụ thể, 1.722 con gà sống, 241 vịt sống, 99 kg thịt gà làm sẵn, 21.505 trứng gia cầm… Tất cả số lượng tiêu hủy trên chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh miền Tây. Ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thành phố Hồ chí Minh nhận định, thời điểm này là thời điểm rất nhạy cảm vì dịch cúm gia cầm đã bắt đầu quay trở lại, trong khi việc vận chuyển giết mổ gia cầm ngày càng phức tạp, nguy cơ phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm trong tháng 3 tới là rất cao tại các tỉnh phía Nam.

Ông Thảo cho rằng, các “điểm nóng” buôn bán gia cầm thường tập trung nhiều tại các địa bàn giáp ranh giữa hai phường hoặc hai quận, đây là những điểm mà thương lái dễ dàng tẩu tán hàng hóa. Do đó, Chi cục Thú y thành phố đã chỉ đạo các trạm thú y tại các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt đối với những trường hợp kinh doanh sai quy định, đồng thời luôn trong tư thế sẵn sàng chống dịch. Song chỉ riêng lực lượng thú y thì không quản lý xuể, nên Chi cục Thú y thường xuyên kết hợp với đoàn kiểm tra liên ngành hoặc lực lượng khác của các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Đối với những quận, huyện có “điểm nóng” buôn bán gia cầm sống trái phép tại các khu vực giáp ranh, phải tham mưu giải pháp phối hợp kiểm tra, xử lý triệt để giết mổ, kinh doanh trái phép giữa các địa bàn. Ngoài ra, ý thức người tiêu dùng cũng góp phần phòng chống dịch có hiệu quả hơn, không nên tiếp tay cho những đối tượng kinh doanh, vận chuyển gia cầm trái phép./.

Việt Âu (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục