TPHCM: Ô nhiễm, ngập nước, kẹt xe.. vẫn kẹt

Ô nhiễm môi trường, nạn ngập úng và tình trạng ùn tắc giao thông không những không giảm mà ngày càng tăng lên vẫn là những vấn đề nóng bỏng được đề cập tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 14 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 4/12.

Ô nhiễm môi trường, nạn ngập úng và tình trạng ùn tắc giao thông không những không giảm mà ngày càng tăng lên vẫn là những vấn đề nóng bỏng được đề cập tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 14 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 4/12.

Đăng đàn đầu tiên trong phiên chất vấn buổi sáng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Phượng bị "quay" với hàng loạt câu hỏi về những bức xúc được nghe đi nghe lại ở hầu hết các kỳ họp nhưng vẫn diễn ra hàng ngày như vấn nạn đào đường, lập lô cốt, ngập nước, chất lượng các công trình giao thông. Và câu hỏi được nhiều người hỏi nhất là: "Bao giờ sẽ hết kẹt xe và ngập nước"?

Nói như đại biểu Lê Văn Trung, "trải qua 14 kỳ họp Hội đồng Nhân dân, kỳ họp nào cũng đề cập đến vấn đề này nhưng vẫn chưa có lĩnh vực nào được giải quyết triệt để. Báo cáo ngày một tệ hơn, số điểm ùn tắc tăng lên, số điểm ngập cũng vậy, các dự án thi công chậm như rùa bò."

Một sự kiện nóng hổi khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là vụ nứt các đốt hầm dìm cầu Thủ Thiêm. Một số đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân và việc xử lý trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong sự cố này. Đặc biệt trong dự án này còn xảy ra vụ PCI liên quan đến đưa và nhận hối lộ của ông Huỳnh Ngọc Sỹ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam.

Đại biểu Đặng Văn Khoa chất vấn "ông Huỳnh Ngọc Sỹ là Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, vậỵ xét về trách nhiệm quản lý nhân sự, Giám đốc sở có chịu trách nhiệm?"

Hội trường cũng nóng lên với hàng loạt chất vấn của các đại biểu về tình hình ô nhiễm môi trường ở mức báo động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nước thải bệnh viện, vụ Công ty Hào Dương xả thải trực tiếp ra sông Đồng Điền.

Vụ bắt quả tang đơn vị thành viên của Sở Tài nguyên và Môi trường là Công ty Môi trường đô thị ký 17 hợp đồng xử lý chất thải nguy hại với các doanh nghiệp tại bãi rác Đông Thạnh làm nhiều đại biểu quan tâm.

Ngày 3/12, Phó Giám đốc công ty Trần Đại Đồng đã bị tạm đình chỉ chức vụ nhưng các đại biểu nhấn mạnh rằng cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu công ty đến đâu và trách nhiệm của cơ quan chủ quản là Sở TNMT như thế nào cần phải làm rõ. "Trong báo cáo của sở thường xuyên kiểm tra hoạt động các bãi rác trong đó có bãi chôn lấp Đông Thạnh, vậy trong 1-2 năm qua đoàn kiểm tra có biết gì về vụ này không?", đại biểu Đặng Văn Khoa thắc mắc.

Tình hình ô nhiễm kênh rạch, ô nhiễm nguồn nước cũng khiến nhiều đại biểu bức xúc. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, thành phố đang phải trả giá cho việc coi thường ô nhiễm. Nguồn nước sông Sài Gòn ô nhiễm nghiêm trọng đang đe dọa đến người dân thành phố, và mỗi năm Nhà máy nước Tân Hiệp phải tốn 50 tỷ đồng để xử lý nước sạch. Việc cải tạo kênh Ba Bò đến nay cũng đã tốn hơn 200 tỷ đồng.

Sự yếu kém trong quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm đã khiến nhiều đại biểu thất vọng. "Nếu như các giải pháp của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải còn cho thấy nhiều hy vọng ở 10-20 năm nữa thì các giải pháp của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khiến cho chúng tôi như đi trong đường hầm, không thấy lối ra", đại biểu Phạm Minh Trí lo lắng" ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục