TP.HCM sớm triển khai xây dựng tuyến xe buýt nhanh dài 23km

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng tuyến xe buýt nhanh (BRT) trên hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ, đi qua 7 quận, huyện với tổng chiều dài 23km.
TP.HCM sớm triển khai xây dựng tuyến xe buýt nhanh dài 23km ảnh 1Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa (trái) tiếp ông Michel Kerf. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng tuyến xe buýt nhanh (BRT) trên hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ, đi qua 7 quận, huyện với tổng chiều dài 23km.

Dự án bao gồm xây dựng hạ tầng kỹ thuật để vận hành tuyến BRT, xây dựng bổ sung trạm dừng, nhà ga, nơi gửi xe đạp, xe máy; cầu đi bộ, cải thiện vỉa hè...

Thông tin này được ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong buổi làm việc giữa Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cùng lãnh đạo các sở, ngành thành phố ​và đoàn công tác Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 26/5.

Theo ông Lương Minh Phúc, dự án sẽ mang lại tác động tích cực và lợi ích môi trường lâu dài cho cuộc sống của người dân, giảm thiểu rủi ro an toàn giao thông và khí thải các phương tiện cá nhân...

Tuyến BRT đại lộ Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ sau khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề cơ bản của thành phố như nâng cao hiệu quả phục vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công công; cung cấp dịch vụ vận tải hành khách an toàn, tiện nghi, hiệu quả hơn.

Dự kiến, tuyến BRT đại lộ Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ sẽ được tích hợp với các tuyến metro nên sẽ thay thế dần các phương tiện giao thông cá nhân trên tuyến đường này. Hiện dự án phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn thiết kế chi tiết, lập tổng dự toán và chuẩn bị hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp và thiết bị…

Ông Michel Kerf - Giám đốc chuyên ngành giao thông và công nghệ thông tin khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới cho biết ​WB đánh giá cao về dự án phát triển giao thông xanh của thành phố.

Dự án đã tuân thủ các yêu cầu của WB về tham vấn cộng đồng, chính sách tái định cư, thân thiện và bền vững về môi trường...

Tuy nhiên, ông Michel Kerf cũng đề nghị thành phố cần quan tâm triển khai nhanh các công việc trong thời gian tới như kế hoạch điều chỉnh dự án đầu thầu; phê duyệt đơn giá đền bù cho công tác tái định cư của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án; phê duyệt nhanh dự án chi tiết để trình lên WB trong tháng 8/2016.

Theo ông Michel Kerf, dự án BRT có giá đầu tư và công tác bảo dưỡng rẻ hơn các dự án tuyến metro, đồng thời đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân khi nhu cầu tăng thêm. Do vậy, ông Michel Kerf cũng mong muốn Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần thể hiện rõ về chủ trương quyết định đầu tư dự án này hay tuyến tramway (tàu điện trên mặt đất).

Trao đổi với Đoàn công tác WB, ông Lê Văn Khoa cho biết Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ dự án BRT trên hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ vì đây là dự án phù hợp với tình hình hiện nay của thành phố.

Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này và ủy quyền cho chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông-Đô thị phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán đầu tư để nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Trong khi đó, dự án tuyến tramway là chủ trương quy hoạch chung trong tổng thể phát triển giao thông của thành phố.

Ông Lê Văn Khoa cũng giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm thực hiện công tác thẩm định dự án và trình Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch kêu gọi nhà thầu của dự án trước ngày 10/6.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và Hội đồng giải phóng mặt bằng tiến hành thẩm định các phương án đền bù, giải tỏa tại khu vực dự án để trình Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt làm cơ sở tiến hành bồi thường, chậm nhất trong tháng Sáu sắp tới.

Ông Lê Văn Khoa yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ công việc để sớm triển khai dự án giao thông xanh tại thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục