TP.HCM: Tăng cường giám sát đảm bảo chính sách an sinh cho người dân

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức Hội nghị trực tuyến giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động của dịch tại quận 8, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn.
TP.HCM: Tăng cường giám sát đảm bảo chính sách an sinh cho người dân ảnh 1Bên cạnh việc chi hỗ trợ theo chính sách, người dân còn được nhận nhiều phần quà thiết yếu. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 17/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến giám sát thực hiện Nghị quyết 42, Nghị quyết 154, Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân thành phố về chính sách hỗ trợ các đối tượng khó khăn do tác động của dịch COVID-19 tại quận 8, quận Bình Tân, quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn.

Đảm bảo tính công bằng trong lập danh sách hỗ trợ

Đại biểu Quốc hội, đại diện các sở, ban, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh dự Hội nghị đã ghi nhận báo cáo và những kiến nghị tháo gỡ khó khăn của lãnh đạo quận 8, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn và một số xã, phường của các địa phương trên trong công tác triển khai chính sách hỗ trợ người nghèo, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại địa bàn.

Theo một số đại biểu tham dự hội nghị, từ thực tiễn tại các địa phương trong triển khai chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân cho thấy việc rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng các gói hỗ trợ có vai trò rất quan trọng, đảm bảo tính công bằng, hiệu quả của chính sách cũng như mối quan hệ giữa người dân và chính quyền cơ sở.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1 cho rằng diễn biến dịch nhanh, phức tạp đòi hỏi quá trình triển khai các gói hỗ trợ cần được nhanh chóng, kịp thời nên dễ bị nhầm lẫn, sai sót.

Việc lên danh sách đối tượng nhận các gói hỗ trợ gặp khó khăn, dễ sai sót vì cán bộ cơ sở vừa thiếu hụt do nhiều người bị lây nhiễm COVID-19, vừa phải đồng thời tham gia công việc phòng, chống dịch.

[TP Hồ Chí Minh tiếp tục đề xuất hỗ trợ hơn 7,5 triệu người khó khăn]

Chính vì vậy, trong đợt hỗ trợ thứ 3, Công an khu vực, cán bộ đoàn thể cơ sở được tăng cường tham gia lập danh sách đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch nhằm tránh những thắc mắc, khiếu nại không đáng có.

Tháo gỡ khó khăn cho những đối tượng đủ điều kiện hưởng hỗ trợ

Bà Trần Thị Kim Yến cho rằng kết quả báo cáo từ 4 địa phương giám sát cho thấy gói hỗ trợ thứ 1 và 2 vừa qua vẫn chưa đến tay người được hưởng do các lý do khách quan như về quê, cách ly y tế, đã mất vì mắc COVID-19…

Vì vậy, cán bộ cơ sở cần rà soát, kiểm tra, giải quyết dứt điểm gói hỗ trợ 1 và 2 để sau đó triển khai gói hỗ trợ thứ 3 trên thực tế. Cùng với đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cần có những giải pháp hỗ trợ các quận, huyện chi trả dứt điểm các đợt hỗ trợ, cung cấp tài liệu, hướng dẫn, giúp cán bộ cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ chi trả đúng tiêu chuẩn cho đúng đối tượng.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lại quan tâm đến việc tại các địa phương giám sát ghi nhận rất ít số đối tượng thụ hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Vì vậy, các địa phương cần nghiên cứu, tìm hiểu lý do, vướng mắc trong việc triển khai gói hỗ trợ này để báo cáo kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho những đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Cũng liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét báo cáo của các địa phương chưa đề cập đến chính sách hỗ trợ lao động việc làm cho người lao động.

TP.HCM: Tăng cường giám sát đảm bảo chính sách an sinh cho người dân ảnh 2Trao tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Để người lao động có việc làm ổn định, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng chăm lo, hỗ trợ người lao động cần giảm tỷ lệ lao động tự do; vận động, tuyên truyền người lao động tham gia hệ thống lao động có hợp đồng, có bảo hiểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao nỗ lực của cán bộ cơ sở trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có hoạt động triển khai các chương trình an sinh xã hội, đưa gói hỗ trợ đến với người dân. Nếu thời gian giãn cách xã hội phải kéo dài, người dân sẽ gia tăng nhu cầu hỗ trợ.

Vì vậy, cần củng cố lại hệ thống cơ sở, tăng cường thêm cán bộ từ cấp trên cơ sở xuống hỗ trợ; nghiên cứu xây dựng cơ chế, phương tiện cho người dân kịp thời phản ảnh về hoàn cảnh, trình trạng cần hỗ trợ; đồng thời sớm công bố lộ trình, kế hoạch, thời gian dự kiến thực hiện các gói hỗ trợ. Trong quá trình giải quyết cần lấy thực tế người dân làm căn cứ, cơ sở giải quyết nhu cầu cấp bách cho nhân dân gặp khó khăn do dịch bệnh.

Kết luận hội nghị, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đánh giá cao và chia sẻ với khó khăn của các địa phương, các sở, ngành trong việc nỗ lực triển khai các gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Từ các gói hỗ trợ đã thực hiện, các địa phương cần rút kinh nghiệm để làm tốt việc chi trả gói hỗ trợ đợt 3 sắp tới, nhất là tổ chức lại nhân sự làm công việc xác minh, lập danh sách người thụ hưởng công khai, minh bạch, đảm bảo không sót, lọt, sai đối tượng. Các cấp quận, huyện và xã, phường cần tập trung làm tốt nhiệm vụ của mỗi cấp trong quá trình triển khai gói hỗ trợ đợt 3, đảm bảo đúng tiến độ triển khai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục