TP.HCM: Thay đổi thiết kế ban đầu dự án tàu điện ngầm số 2

Thiết kế ban đầu dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 sẽ được thay đổi theo nguyên tắc không giải tỏa hoặc giải tỏa ít nhất nhà dân nằm ngoài lộ giới đường Cách mạng tháng Tám và đường Trường Chinh.
TP.HCM: Thay đổi thiết kế ban đầu dự án tàu điện ngầm số 2 ảnh 1Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Nguồn: TTXVN)

Thiết kế ban đầu dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành-Tham Lương) sẽ được thay đổi theo nguyên tắc không giải tỏa hoặc giải tỏa ít nhất nhà dân nằm ngoài lộ giới đường Cách mạng tháng Tám và đường Trường Chinh; phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, hiện trạng khu vực, lưu lượng hành khách và tính chất của từng ga.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, về mặt kỹ thuật, Thành phố chủ trương không tích hợp tháp thông gió với lối lên xuống, tận dụng các khu đất công lân cận nhà ga để bố trí tháp thông gió, tháp làm mát.

Đối với phương án thiết kế đường ống, Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan bố trí hai đường hầm song song cùng cao độ theo dự án đầu tư được duyệt; nghiên cứu tách riêng cầu thang cuốn và cầu thang bộ phần tiếp giáp mặt đất ở các ga có thể thực hiện được để giảm chiều rộng lối lên xuống, hạn chế giải phóng mặt bằng ngoài ranh lộ giới quy hoạch.

Ngoài ra, kích thước kết cấu tường nhà ga được xác định phải đủ đảm bảo yêu cầu chịu lực nhưng cũng không thiết kế quá dày.

Cùng đó, các công trình hạ tầng kỹ thuật cơ bản phải được di dời ổn định ra hai bên nhà ga dọc đường Cách mạng tháng tám và đường Trường Chinh theo phương án đi vòng tránh theo các tuyến đường lân cận nhà ga để hạn chế giải phóng mặt bằng ngoài lộ giới đường.

Trước đó tại hội thảo “Giải pháp thiết kế nhà ga ngầm” tổ chức ngày 23/4, các đơn vị tham gia dự án đã đưa ra thiết kế đề nghị theo hướng lối lên xuống được bố trí nằm trên lề đường Cách mạng tháng 8 quy hoạch; hạ tầng kỹ thuật được dời vĩnh viễn ra 2 bên thân ga…

Tuy nhiên trong quá trình tham vấn cộng đồng, thiết kế ban đầu này đã vấp phải sự phản đối của người dân, trong đó đáng chú ý nhất là sự không đồng tình việc tích hợp tháp thông gió, làm mát với lối lên xuống dẫn đến mỗi nhà ga có 4 khối công trình rộng 5,5m, dài 40-50m, làm ảnh hưởng đến kinh doanh, sinh hoạt và mỹ quan đô thị...

Tuyến metro số 2 dài 11,3km đi qua địa bàn các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, trong đó đoạn đi ngầm dài 9,3km.

Với tốc độ khai thác tối đa 80 km/giờ, quãng đường đi từ Bến Thành đến Tham Lương sẽ chỉ còn mất 26 phút. Diện tích sử dụng đất của công trình là 263.190m2, tổng mức đầu tư 26.116 tỷ đồng.

Hiện do vướng khâu thiết kế nền tảng và đấu thầu, thời gian khai thác phải lùi đến năm 2019 thay vì dự kiến là năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục