TP.HCM tìm nguyên nhân, giải pháp với "hố tử thần"

Theo Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, từ 7/2010 đến nay, thành phố xảy ra 64 vụ lún sụt, trong đó 21 vụ do cống thoát nước vỡ.
Ngày 12/1, Sở Khoa học-Công nghệ, Sở Giao thông Vận tải và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo Cơ sở khoa học và các giải pháp khả thi xác định hố ngầm ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết từ tháng 7/2010 đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 64 vụ lún sụt, trong đó có 21 vụ do cống thoát nước cũ bị vỡ, hở mối nối; 13 vụ thi công không đúng quy trình; 11 vụ công trình hạ tầng bị hư hỏng nặng…

Theo ông Trường, có ba nhóm nguyên nhân chính do các công trình hạ tầng hiện hữu được xây dựng qua nhiều thời kỳ, đang xuống cấp; do trên địa bàn thành phố có nhiều khu vực thường xuyên bị ngập nước, nền đường và các công trình ngầm nằm trên nền đất yếu, đất lún ướt gây các lỗ hổng trong lòng đất và do công tác quản lý, có quá nhiều đơn vị quản lý công trình ngầm nên khi gặp sự cố không xác định được đơn vị chủ quản.

Xác định nguyên nhân của hiện tượng sụt lún trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Hữu Diệp, Ủy viên Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng hiện tượng lún sụt tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển trong thời gian dài, nhưng lại biểu hiện đột ngột với biên độ lớn, tạo nên những hố sâu trên bề mặt địa hình, đường giao thông.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh có hai loại đất kém chịu nước, dễ bị tác động của xói ngầm. Loại thứ nhất có nguồn gốc tự nhiên, khi có nguồn nước ngầm lưu thông sẽ làm cho nền đất mềm yếu và gây ra xói lở ngầm, phát sinh hiện tượng lún sụt. Loại đất lún ướt thứ hai có nguồn gốc nhân tạo, được hình thành trong quá trình đào đắp, xây dựng lắp đặt các công trình hệ thống hạ tầng đô thị như công trình cấp thoát nước, cáp ngầm…

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Hữu Diệp, những loại đất nguồn gốc nhân tạo do không đạt yêu cầu theo quy chuẩn trong xây dựng nên đất kém chặt, có độ rỗng lớn, chứa nhiều hạt mịn, dễ thấm nước và khi gặp nguồn nước sẽ gây ra hiện tượng lún sụt. Điển hình cho hiện tượng này là hơn 60 hố sụt xảy ra trên các tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đến từ các trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu các phương pháp áp dụng rada xuyên đất trong nghiên cứu địa kỹ thuật và môi trường Việt Nam, phương pháp sóng siêu âm để xác định hố ngầm.

Theo các nhà khoa học, đây là các phương pháp có nhiều ứng dụng rộng rãi, có thể giải quyết nhiều thực trạng mà nước ta đang đối mặt như đánh giá chất lượng các công trình giao thông, khảo sát môi trường, không gian ngầm tại các thành phố lớn…

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhiều vụ lún sụp đã xảy ra trong mùa mưa vừa qua đã gây nhiều quan ngại cho nhân dân, nhà quản lý. Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp đẻ xác định và xử lý triệt để các hố ngầm, bọng, rỗng trên mặt đường là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Các ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia tại hội thảo sẽ được tập hợp, đề xuất với lãnh đạo thành phố để sớm khắc phục hiện tượng sụp lún trên địa bàn thành phố./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục