TP.HCM: Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt và may

Triển lãm quốc tế lần thứ 14 về máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt và may – VTG 2014 đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình (Thành Phố Hồ Chí Minh).
TP.HCM: Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt và may ảnh 1Khách đến tham quan triển lãm VTG 2014. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Ngày 29/10, Triển lãm quốc tế lần thứ 14 về máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu ngành công nghiệp dệt và may – VTG 2014 đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình (Thành Phố Hồ Chí Minh).

Triển lãm do Hiệp hội Dệt may Thêu đan Thành Phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cùng các doanh nghiệp Công ty Cổ phần Quảng cáo & Hội chợ Thương mại Vinexad, Công ty Triển lãm quốc tế Chan Chao, Công ty Thương mại và Dịch vụ tiếp thị Yorkers, Công ty Dịch vụ triển lãm và truyền thông Paper phối hợp tổ chức.

Hơn 170 đơn vị tham gia với gần 300 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia trưng bày các máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu như: máy dệt kim, máy móc kéo sợi, thiết bị kiểm tra và điều khiển trong ngành dệt may, máy cuộn dây, hóa chất và thuốc nhuộm, công nghệ in ấn trên chất liệu vải,...

Ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, quý 3/2014, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được xấp xỉ 18 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó chỉ nhập khẩu 11 tỷ USD nguyên phụ liệu. Như vậy, ngành dệt may đã xuất siêu 6,2 tỷ USD.

Theo Ông Trường, ngành dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng mạnh mẽ trên các thị trường truyền thống mặc dù mới đi 3/4 chặng đường năm 2014. Cụ thể, thị trường Mỹ tăng khoảng 15%; EU tăng 19%; Nhật Bản tăng 14%; Hàn Quốc tăng 32%.

Ông Nguyễn Đình Trường khẳng định rằng, ngành dệt may Việt Nam sẽ về đích 24,5 – 25 tỷ USD về giá trị. So với chỉ tiêu đã đăng ký với Chính phủ, ngành dệt may Việt Nam sẽ vượt kế hoạch từ 0,5- 1 tỷ USD, tăng trưởng 15- 16%.

9 tháng đầu năm 2014, tổng kinh doanh nội địa của ngành dệt may cũng tăng 12% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, phần tăng trưởng chủ yếu rơi vào phần nguyên liệu bán nội địa với mức tăng trưởng 18% so với cùng kỳ.

“ Vào cuối năm 2014, với các thuận lợi được ký kết đến từ các Hiệp định FTA Việt Nam- Hàn Quốc; FTA Việt Nam- EU, Liên minh thuế quan Việt Nam, Belarus và Kazakhtan; Hiệp định TPP đang đi vào giai đoạn kết thúc đàm phán và hy vọng sẽ được ký kết vào đầu năm 2015. Việt Nam ngày càng được khẳng định vị trí là một cường quốc dệt may, với quy mô dự kiến tăng gấp đôi hiện nay trong 10 năm tới” - ông Nguyễn Đình Trường chia sẻ.

Triển lãm kéo dài đến ngày 1/11/2014./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục