Theo báo cáo nghiên cứu của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về sự biến đổi khí hậu (GIEC) vừa được công bố, từ nay tới năm 2060, dự kiến sẽ có khoảng 1,2 tỷ người bị đe dọa bởi tình trạng nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu gây ra.
Trước đó, một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết nếu năm 2008 mới có một nửa dân số thế giới sinh sống tại các thành phố thì tới năm 2060 sẽ có 6,4 tỷ người dân thành thị, chiếm tới 75% dân số toàn cầu. Do vậy, số người sinh sống ở đô thị có thể lên tới 9 tỷ người.
Theo báo cáo này, phần lớn sự gia tăng dân cư đô thị lại diễn ra tại những vùng ven biển, nơi sẽ chịu tác động rất lớn của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đặc biệt, châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó 5 nước chịu tác động nhiều nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Việt Nam.
Những khu đô thị và dân cư ven biển bị tác động nhiều nhất là Calcutta (Ấn Độ) có thể sẽ có 14 triệu người bị tác động vào năm 2060, tiếp sau là Mumbai (Ấn Độ - 11,4 triệu người), Dhakar (Bangladesh - 11,1 triệu người), Quảng Châu (Trung Quốc - 10,3 triệu người), tiếp đến Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam - 9,2 triệu người), Thượng Hải (Trung Quốc - 5,4 triệu người), Bangkok (Thái Lan - 5,1 triệu người), Yangon (Myanmar - 4,9 triệu người).
Đặc biệt, theo báo cáo của GIEC, tình trạng nước biển dâng ảnh hưởng chủ yếu tới các nước nghèo, trong khi các quốc gia giàu có như Mỹ, Hà Lan, Anh... lại ít chịu tác động.
Báo cáo trên còn cho biết ước tính thiệt hại kinh tế do tình trạng nước biển dâng tại các thành phố ven biển có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2060./.