​TP.HCM ứng phó với nguy cơ cây xanh gãy đổ trong mùa mưa

Lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý cây xanh đô thị; khắc phục tình trạng cây gãy, đổ; rà soát số lượng cây bóng mát gây nguy hiểm, có nguy cơ không an toàn.
​TP.HCM ứng phó với nguy cơ cây xanh gãy đổ trong mùa mưa ảnh 1Cây phượng bật gốc đổ trong sân trường. (Ảnh: TTXVN)

Mùa mưa tới cũng là thời điểm người dân Thành phố Hồ Chí Minh bất an mỗi khi ra đường, vì nguy cơ cây xanh gãy, đổ uy hiếp tính mạng, tài sản.

Chỉ trong vòng một tuần qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận nhiều vụ cây xanh gãy, đổ sau mưa dông. 

Đặc biệt, vụ việc cây bật gốc khiến một học sinh lớp 6 tử vong và nhiều em bị thương trong sáng 26/5 đã khiến yêu cầu triển khai các giải pháp ứng phó với nguy cơ cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa càng trở nên cấp bách.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, ước tính lượng mưa trong 10 ngày qua tại các quận trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đạt trung bình khoảng 40mm; khu vực phía Đông thành phố khoảng 30mm; khu vực phía Nam thành phố có lượng mưa cao nhất, khoảng 50-60mm.

Các cơn mưa thường kèm theo lốc xoáy, gió giật khiến nguy cơ làm gãy, đổ cây xanh ven đường là rất cao.

Nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do sự cố cây xanh gây ra trong mùa mưa bão, từ đầu tháng 5/2020, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành, quận huyện về triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa dông, lốc xoáy, gió giật và cây xanh ngã đổ trên địa bàn thành phố.

Thường trực Ban Chỉ huy yêu cầu Sở Xây dựng và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý cây xanh đô thị; khắc phục tình trạng cây gãy, đổ; đôn đốc, giám sát các đơn vị quản lý cây xanh đô thị rà soát số lượng cây bóng mát gây nguy hiểm, có nguy cơ không an toàn.

Các đơn vị kiểm soát việc thực hiện quy trình cắt tỉa cây xanh; tổ chức xây dựng phương án ứng phó đảm bảo an toàn cây xanh trong mùa mưa bão, trong đó chú trọng đặc biệt đến những cây có hệ rễ bị xâm hại do việc thi công các công trình nâng cấp vỉa hè, cấp thoát nước… tại những tuyến đường tập trung nhiều phương tiện tham gia giao thông.

Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh Lê Công Phương cho biết hiện công ty đang được thành phố giao chăm sóc, bảo dưỡng gần 100.000 cây xanh các loại trên các tuyến đường phố và công viên.

Trước mùa mưa, đơn vị luôn có phương án kiểm tra toàn bộ cây xanh trong phạm vi quản lý, nếu phát hiện cây nào có nguy cơ ngã đổ thì sẽ báo cáo Phòng Quản lý hạ tầng Thành phố để xử lý ngay.

Năm nay, ngay từ đầu mùa mưa, công ty đã tăng cường tuần tra nhằm phát hiện kịp thời những cây xanh sâu bệnh, cây có dấu hiệu gãy ngã; đồng thời, cử nhân viên túc trực tại các tuyến đường lớn, tuyến đường nhiều cây xanh để có phương án xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, ông Lê Công Phương cũng cho biết không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra những cây sắp chết vì một số cây có bề ngoài trông rất bình thường, cành lá xum xuê nhưng thật ra bên trong thân cây đã bị sâu bọ, ấu trùng đục rỗng, có thể gãy, đổ bất cứ lúc nào. Những biểu hiện bên ngoài không rõ ràng dễ khiến các đơn vị quản lý cây có chuyên môn không vững chủ quan, bỏ qua, đến khi xảy ra sự cố thì đã quá muộn.

Đặc biệt, với những cây không thuộc quyền duy tu, bảo dưỡng của các đơn vị cây xanh đô thị mà do các đơn vị tư nhân, cơ quan, trường học... tự quản lý thì nguy cơ xảy ra gãy, đổ càng cao.

Theo ông Lê Công Phương, thông thường, các đơn vị tư nhân, trường học… trên địa bàn thành phố đều phối hợp với Công ty Công viên cây xanh để kiểm tra định kỳ hệ thống cây trong trường.

Chỉ cần quan sát biểu hiện bên ngoài thân cây, các nhân viên của công ty sẽ phát hiện ra được cây nào có vấn đề cần phải khắc phục. Tuy nhiên, một số đơn vị lại đợi đến khi thấy cây có dấu hiệu lụi tàn rõ ràng, thậm chí xảy ra hiện tượng nghiêng thân, gãy cành thì mới báo công ty xử lý.

Ông Lê Công Phương khuyến cáo các đơn vị cần chú ý hơn trong việc bảo dưỡng cây; người dân trong mùa mưa cần hạn chế ra đường hoặc đứng gần những cây lâu năm tránh nguy cơ tai nạn.

[Vụ cây phượng đè lên nhiều học sinh: Một học sinh tử vong]

Đặc biệt, cây phượng vĩ vốn gắn liền với hình ảnh tuổi học trò, được trồng nhiều trong các trường học thì trên thực tế lại là giống cây có bộ rễ yếu, vì vậy loại cây này cần được kiểm tra thường xuyên, cắt tỉa cành trước khi vào mùa mưa tránh tình trạng cành nặng làm cây bật gốc.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, Sở sẽ yêu cầu các đơn vị quản lý cây xanh cắt tỉa cây xanh theo đúng quy trình kỹ thuật để cây không bị nghiêng ngã, đổ khi có gió lớn; tăng cường kiểm tra, rà soát những cây xanh gây nguy hiểm, xử lý kịp thời các cây có nguy cơ gây mất an toàn mùa mưa bão.

Các đơn vị chức năng cần tổ chức ứng trực, xử lý kịp thời các trường hợp cây đổ, cành gãy; báo cáo số lượng, chủng loại cây bóng mát đang quản lý, lên kế hoạch thực hiện trồng mới, thay thế cây xanh và gửi về cơ quan quản lý theo phân cấp; báo cáo các sự cố cây xanh, các thiệt hại về người và tài sản xảy ra.

Ngoài ra, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ngày 26/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo ngay các trường liên hệ với đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh kiểm tra, cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm có thể gãy đổ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục