TP.HCM và Osaka hợp tác quản lý chất thải rắn

TP.HCM và Osaka của Nhật Bản tổ chức hội thảo trao đổi những kinh nghiệm về quản lý tổng hợp chất thải rắn, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Ngày 16/2, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ Trung tâm Môi trường Toàn cầu (GEC) và Hiệp hội Giải pháp về Nước và Môi trường đô thị Osaka (OWESA - Nhật Bản) đã tổ chức Hội thảo “Quản lý tổng hợp chất thải rắn tại Thành phố Hồ Chí Minh” với sự tham gia của lãnh đạo, các cơ quan quản lý, nghiên cứu-đào tạo, các doanh nghiệp của hai thành phố.

Đây là hội thảo đầu tiên được tổ chức với sự phối hợp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Osaka về lĩnh vực môi trường nhằm trao đổi những kinh nghiệm về quản lý tổng hợp chất thải rắn nói chung và phương pháp 3T nói riêng (Tiết giảm, Tái sử dụng, Tái chế chất thải), cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác giữa hai thành phố về lĩnh vực quản lý chất thải rắn.

Theo ông Shinsaku Azuma, Tổng Giám đốc Cục Môi trường thành phố Osaka, Hội thảo lần này là hoạt động cụ thể hóa chương trình hợp tác giữa hai thành phố được ký kết trong tháng 7/2011, đồng thời là cơ hội hợp tác giải quyết chất thải thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo, nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn đã được đề cập như: Thách thức và các chính sách của Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý chất thải rắn đô thị; kinh nghiệm và các chính sách của thành phố Osaka về quản lý chất thải rắn đô thị; giải pháp xử lý chất thải rắn tạm thời phù hợp với Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các chuyên gia về lĩnh vực môi trường đến từ Nhật Bản cũng đã giới thiệu các công nghệ tiên tiến liên quan đến xử lý chất thải, thu hồi năng lượng từ lò đốt, xử lý nước rỉ rác, chất thải y tế...

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Quản lý chất thải rắn được xem là một vấn đề lớn, quan trọng, có ý nghĩa tiên quyết đến vấn đề môi trường của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có trên 6.700 tấn chất thải rắn đô thị phải chôn lấp hàng ngày, trong đó trung bình có 1.500-2.000 tấn chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại cần xử lý, tái chế với công nghệ khá lạc hậu, chưa đảm bảo an toàn về môi trường.

Sự hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Osaka về lĩnh vực môi trường có ý nghĩa quan trọng cho cả hai thành phố, đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh rất cần những kinh nghiệm quản lý và tư vấn công nghệ mới để giải quyết các vấn đề hiện tại, định hướng cho sự phát triển trong tương lai về môi trường.

Trong chương trình hội thảo, các đại biểu cũng tham quan thực tế các bãi chôn lấp chất thải rắn, lò đốt rác y tế, nhà máy chế biến phân compost và khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục