TP.HCM: Vẫn có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa, thực phẩm

Do lo ngại TP.HCM siết chặt hơn nữa việc thực hiện quy định giãn cách nên ngày 20/8 tại một số nơi có hiện tượng nhiều người dân đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua thực phẩm.
TP.HCM: Vẫn có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa, thực phẩm ảnh 1Trước thông tin giãn cách xã hội mới, nhiều người dân thành phố tranh thủ mua hàng hóa bình ổn giá trên đường Tháp Mười (Quận 6). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trước thông tin Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách, có tình trạng một số nơi, người dân đổ xô đi mua hàng hóa.

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã vào cuộc, cùng hỗ trợ địa phương giữ vững chuỗi cung ứng, nỗ lực đảm bảo cung cấp hàng hóa đầy đủ đến cho người tiêu dùng trong mọi hoàn cảnh.

Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết nhằm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương đã có buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh để nắm bắt thông tin về kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ nhân dân trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương đã chủ động các phương án ứng phó theo các kịch bản phòng chống dịch COVID-19.

Hiện nay việc cung ứng hàng hóa cho người dân vẫn tiếp tục thực hiện thông qua hoạt động của các chợ, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… với nhiều mô hình khác nhau như đi chợ hộ, bán hàng online, bán theo combo.

Trong trường hợp siết chặt hơn nữa các đối tượng được ra ngoài, Sở Công Thương có kế hoạch dự kiến khâu thu mua, vận chuyển hàng hóa về Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được giao cho các hệ thống phân phối; không đóng cửa toàn bộ chợ truyền thống (huyện Củ Chi, Cần Giờ vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào các chợ), thực hiện bán hàng theo hình thức “đi chợ hộ.”

Cùng với đó, sử dụng xe tải đi thu gom, vận chuyển hàng hóa, nhân viên siêu thị thực hiện 3 tại chỗ, những lực lượng được phép ra đường sẽ đến nhận hàng theo combo và giao về khu dân cư.

Ngoài ra, đối với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, Trung tâm an sinh của Thành phố đã chuẩn bị 3 triệu gói quà, 10 triệu suất ăn miễn phí để cấp phát.

Thực tế, do lo ngại Thành phố Hồ Chí Minh có thể siết chặt hơn nữa việc thực hiện quy định giãn cách nên ngày 20/8 tại một số nơi có hiện tượng nhiều người dân đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa để mua hàng thực phẩm.

Tại siêu thị Emart Gò Vấp, người xếp hàng để vào rất đông, mặc dù siêu thị liên tục bổ sung hàng hóa nhiều lần nhưng các kệ hàng thịt, một số rau củ quả hết hàng.

Một số siêu thị CoopMart không phát phiếu hẹn giờ song luôn có vài chục người xếp hàng chờ vào mua. Các cửa hàng thuộc hệ thống Bách Hoá Xanh, SatraFood, CoopFood, Vissan nhiều người xếp hàng hơn những ngày trước.

[TP.HCM: Không để người dân tự đi chợ mà tổ chức cung ứng]

Đa số các hiệu thuốc tân dược cũng có nhiều người xếp hàng để mua. Các tiệm tạp hóa bên ngoài đông người mua mỳ ăn liền, các loại bún khô, miến, nui, trứng; một số cửa hàng không còn mỳ ăn liền.

Tại các điểm bán rau, củ, quả bên ngoài, số người mua tăng nhẹ so với những ngày trước, hàng hóa vẫn tương đối đầy đủ. Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương đã điều động lực lượng quản lý thị trường kiểm soát giá cả và đầu cơ từ nay cho đến ngày 23/8.

Hiện tại, giá hàng hóa ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán bên ngoài vẫn ổn định. Nhờ có sự vào cuộc kịp thời nên ngày 20/8, nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố miền Nam tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa được cải thiện, đáp ứng nhu cầu người dân.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, bên cạnh việc bày tỏ sự cảm hơn với sự hỗ trợ nhiệt tình và kịp thời của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời đề xuất một số nội dung như tiếp tục cung cấp thông tin thị trường, cung cấp danh sách của nhà cung ứng để Sở Công Thương có thể gửi cho các doanh nghiệp kết nối nguồn hàng.

Bên cạnh đó, kiến nghị, đề xuất để giữ nguồn hàng, kết nối nguồn hàng từ cánh đồng, triển khai lực lượng quản lý thị trường nhằm tuyên truyền người dân không quá lo lắng, xử lý những trường hợp lợi dụng thu mua tích trữ hàng hóa.

Về lực lượng thu mua, thành phố nghiêng về phương án doanh nghiệp tự lo và chỉ hỗ trợ người dân trong việc mua bán hàng hóa.

Tại buổi làm việc, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đồng ý với những đề xuất của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và sẽ triển khai lực lượng quản lý thị trường xuống các địa bàn để tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân không thu mua tích trữ hàng hóa, xử lý các vi phạm nếu có.

Tổ công tác đặc biệt cũng đề nghị Sở Công Thương cung cấp đầu mối liên hệ trực tiếp để kết nối với các Sở Công Thương các tỉnh thành phía Nam trong việc tiêu thụ hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục