TP.Hồ Chí Minh cần tầm nhìn xa trong quy hoạch

Nhiều đại biểu HĐND của TP.HCM cho rằng để giải quyết ùn tắc giao thông cần có quy hoạch, phát triển hạ tầng với tầm nhìn xa hơn.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp lần thứ 18 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VII diễn ra trong ngày 6/7, lại tiếp tục “nóng” với vấn đề quy hoạch đô thị, hạ tầng giao thông.

Cùng với quy hoạch, game online là chủ đề cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu.

Quy hoạch thiếu tầm nhìn

Mượn hình ảnh “những cây tăm cắm chi chít trên miếng bánh ngọt”, đại biểu Ngô Minh Hồng đã ví von với hiện trạng của thành phố hiện quá nhiều nhà cao tầng dày đặc ở khu vực trung tâm.

Theo các đại biểu Ngô Minh Hồng, Huỳnh Công Hùng, hiệu lực quản lý nhà nước về xây dựng, công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế đã để tình trạng cao ốc hàng chục tầng mọc lên trên những con đường nhỏ hẹp vốn cũng không được quy hoạch mở rộng. Điều này đã góp phần làm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố khi lượng xe đổ về các cao ốc này, trong khi nơi đậu xe phần lớn lại là lòng, lề đường.

Các đại biểu cho rằng lẽ ra khi duyệt các dự án xây cao ốc, cao ốc càng cao càng phải có độ lùi sâu vào trong, có đường lõm để xe ra vào và dừng đậu xe. Nhiều đại biểu cho rằng nhiều cao ốc còn có thêm chức năng căn hộ chung cư, trong khi đó theo định hướng phát triển của thành phố là giãn dân và không cho phép xây dựng khu chung cư, khu dân cư ở các quận trung tâm nữa.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Trần Chí Dũng cho biết, quy hoạch chung của thành phố đã được phê duyệt khẳng định mô hình phát triển là đa trung tâm gồm quận 1, quận 3 và quận 2 (khu Thủ Thiêm). Vì vậy, các cao ốc sẽ tập trung vào những trung tâm này.

Hiện nay công trình cao nhất của Thành phố Hồ Chí Minh là 68 tầng. Thành phố hiện có khoảng 1.000 nhà cao từ 9 tầng trở lên, đang triển khai 250 dự án xây dựng nhà cao tầng và 75% dự án xây dựng nhà cao tầng tập trung tại khu vực quận 1, quận 3. Các dự án cao tầng tại hai quận này chủ yếu là văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại, chỉ có 5 dự án nhà ở.

Quy hoạch hạ tầng giao thông thành phố cũng chưa đạt những kết quả như mong muốn và bị đánh giá là do thiếu tầm nhìn trong quy hoạch và quản lý.

Đại biểu Võ Văn Sen cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông nhức nhối như hiện giờ là do thành phố thiếu tầm nhìn từ hàng chục năm trước, từ việc quy hoạch, phát triển đường sá, đến việc phát triển giao thông vận tải hành khách công cộng để có thể tránh “nạn” xe gắn máy cá nhân bùng phát như hiện nay.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Phượng, để giải bài toàn ùn tắc giao thông và quy hoạch hạ tầng giao thông, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra chương trình, giải pháp, tầm nhìn đến 2020, trong đó tập trung cho giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng nên rút kinh nghiệm từ việc thiếu tầm nhìn của hàng chục năm trước, cần có quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông tầm nhìn xa hơn.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo cho rằng, quy hoạch phải đảm bảo cho được sự phát triển bền vững vừa đáp ứng nhu cầu của hiện tại, vừa không ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu của tương lai, khi mà dự kiến dân số thành phố sẽ lên đến 10 triệu dân. "Hiện tại, chúng ta chưa đáp ứng cơ sở hạ tầng cho sự phát triển hiện tại và tương lai," bà Thảo nói.

Game online khó quản lý


Tác hại của những game online có nội dung bạo lực, không lành mạnh cũng như những bất cập trong việc quản lý game online đã được mổ xẻ. Để xử lý vấn đề game online, ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng cần phải có các giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ giữa nhiều sở, ngành và từ trung ương đến địa phương.

Theo ông Hà, do sự phát triển của dịch vụ Internet nên số lượng đại lý internet trên địa bàn thành phố hiện đã giảm chỉ còn khoảng 4.000 đại lý so với số 6.000 tiệm trước đây. “Đáng mừng vì số tiệm internet giảm, tình hình thanh thiếu niên chơi game online ngoài hàng quán cũng giảm, nhưng đáng lo bây giờ lại là việc trẻ em chơi game tại nhà đang bị thả lỏng, không kiểm soát," ông Hà cho biết.

Các đại biểu đều cho rằng phải hạn chế game bạo lực, kể cả cấm chơi, bởi không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ người chơi mà còn gây nguy hiểm cho xã hội nếu người chơi bắt chước các hành vi bạo lực như trong game.

Tuy nhiên, quản lý game online là vấn đề không dễ. Ông Lê Mạnh Hà cho rằng cần phải xem các nhà sản xuất game online bạo lực, cờ bạc, đồi trụy là gây “ô nhiễm mỗi trường” để từ đó có biện pháp xử lý. “Không thể quản lý từng người, từng nhà mà phải xử lý những công ty sản xuất ra các phần mềm game có nội dung không lành mạnh đó.”

Cử tri thành phố còn đề nghị truy cứu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự những bộ phận có trách nhiệm xem xét nội dung game online độc hại nhưng vẫn để tràn lan ra thị trường, “đầu độc” thế hệ trẻ.

Trước việc nhiều bộ, ngành chưa có cùng quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề với thành phố, cũng như chưa phối hợp với thành phố để xử lý vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng đã đến lúc Thành phố Hồ Chí Minh phải chủ động hành động để ngăn chặn ngay nạn “nghiện” game online, vì sức khỏe và sự phát triển lành mạnh của thanh thiếu niên, của người dân thành phố.

Bà Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, trong khi chờ sự phối hợp của các bộ, ngành, thành phố sẽ chủ động tìm giải pháp để xử lý vấn nạn game online. Trách nhiệm này không chỉ của các cấp chính quyền thành phố, của xã hội, nhà trường mà còn rất cần trách nhiệm của các gia đình và các phụ huynh./.

Hoàng Liên Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục