TPP - Cơ hội và thách thức đối với dệt may Việt Nam

Các chuyên gia kinh tế cho rằng TPP sẽ tạo ra cú huých lớn và mang đến động lực quan trọng cho sự phát triển của dệt may Việt Nam.
Ngày 10/9, tại Thái Bình, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương và tác động đến doanh nghiệp dệt may Việt Nam" với sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp, cán bộ quản lý trong ngành dệt may của các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình.

Mục đích của Hội thảo nhằm giới thiệu nội dung của Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam khi hiệp định này được ký kết.

Tại hội thảo, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp dệt may đều cho rằng: điểm nổi bật nhất của TPP là tự do hóa rộng rãi về hàng hóa, thuế nhập khẩu sẽ về 0%.

Hiện có 12 quốc gia gia nhập TPP, trong đó có 2 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đây là cơ hội tốt cho ngành thương mại Việt Nam, đặc biệt là ngành dệt may sẽ gỡ bỏ được hàng rào thuế vốn rất nặng nề như hiện nay.

Các chuyên gia còn cho rằng TPP sẽ tạo ra cú huých lớn và mang đến động lực quan trọng cho sự phát triển của dệt may Việt Nam, góp phần đưa dệt may Việt Nam lên tầm cao hơn trong tương lai gần.

Ông Nguyễn Đình Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: "TPP đại diện cho khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, đây quả là thị trường lớn. Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam xuất khẩu 17,2 tỷ USD trong năm 2012, trong đó có 50% là thị trường Hoa Kỳ, bên cạnh đó là 12% cho thị trường Nhật Bản, cũng là một nước thành viên TPP. Ngoài ra, chúng ta xuất sang các nước khác ASEAN và Australia, Canada đều nằm trong thành viên TPP, nên cơ hội của chúng ta rất lớn. TPP được xem là cơ hội thứ ba của ngành dệt may Việt Nam, những doanh nghiệp năng động, biết nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội sẽ phát triển mạnh nhờ Hiệp định này."

Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực mở rộng thị trường quốc tế thông qua việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán tham gia các hiệp định thương mại tự do với các đối tác, trong đó có TPP.

Trong các cuộc đàm phán về TPP, dệt may luôn là một nội dung quan trọng bởi quy mô và sự ảnh hưởng của ngành này đến tất cả các nội dung đàm phán như về thương mại và cắt giảm thuế quan; quy tắc xuất xứ và yêu cầu về tỷ trọng sản xuất trong nước; vấn đề đầu tư; dịch vụ bán lẻ, phân phối; vấn đề sở hữu trí tuệ và quyền của người lao động; vấn đề chi tiêu công và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; vấn đề y tế, môi trường và vệ sinh dịch tễ cùng hàng loạt vấn đề pháp lý liên quan.

Ngành dệt may Việt Nam sau hơn 20 năm liên tục phát triển với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 15%/năm, đến nay đã vươn lên trở thành ngành kinh tế lớn của cả nước, và là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 5 trên thế giới.

Ngành dệt may hiện nay đã vươn lên trở thành ngành kinh tế lớn của đất nước góp phần tích cực trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp dệt may trên cả nước, doanh thu toàn ngành năm 2012 đạt 20 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm hơn 17 tỷ USD, tạo việc làm cho 2,5 triệu lao động, đóng góp khoảng 10% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Riêng với Thái Bình, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm thuộc đồng bằng sông Hồng. Với ngành dệt may, khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh được biết đến là một trong 20 khu công nghiệp dệt may lớn nhất Việt Nam. Doanh thu xuất khẩu của ngành dệt may Thái Bình hiện đã chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, cung cấp việc làm cho hơn 60.000 lao động.

Để khuyến khích phát triển kinh tế, gần đây các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn đã chủ động chuyển đầu tư mở rộng sản xuất về tận các cụm công nghiệp các huyện, xây dựng xưởng tại các xã để tạo việc làm tại chỗ cho người lao động.

Với nền tảng sẵn có cùng sự năng động của doanh nghiệp, sự hỗ trợ chủ trương của tỉnh, Thái Bình hoàn toàn hội đủ các điều kiện cần thiết để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của ngành dệt may, để cùng với các tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình trở thành một trong những khu vực trọng điểm của ngành dệt may Việt Nam.

Tại hội thảo, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng tiến hành lấy phiếu khảo sát các doanh nghiệp dệt may của các tỉnh thành trên, qua đó góp phần tổng hợp thông tin về thực trạng của ngành dệt may Việt Nam, giúp Chính phủ có thêm thông tin chi tiết khi đàm phán và điều chỉnh chiến lược phát triển ngành dệt may trong tương lai./.

Thanh Bình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục