TPP khó được Quốc hội Nhật Bản thông qua trong năm nay

Kỳ họp thông thường của Quốc hội Nhật Bản trong năm 2015 đã chấm dứt. Để có thể thông qua hiệp định TPP trong năm 2015, liên minh cầm quyền có thể sẽ tính tới việc triệu tập kỳ họp Quốc hội đặc biệt.
TPP khó được Quốc hội Nhật Bản thông qua trong năm nay ảnh 1Toàn cảnh phiên họp của Thượng viện Nhật Bản ở Tokyo. (Nguồn: Reuter/TTXVN)

Việc 12 nước tham gia đàm phán nhất trí thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 5/10 được chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe coi là một thành công.

Chính phủ và liên minh cầm quyền ngay lập tức đã bắt tay vào công tác chuẩn bị để trình Quốc hội thông qua hiệp định quan trọng này.

Tuy nhiên, theo nhật báo Yomiuri, trong bối cảnh quá trình đàm phán hiệp định kéo dài hơn dự tính, lịch trình hoạt động ngoại giao của Thủ tướng Abe cùng nội tình phức tạp trong nội bộ Nhật Bản có thể khiến hiệp định TPP chưa được Quốc hội nước này thông qua trong năm 2015.

Kỳ họp thông thường của Quốc hội Nhật Bản trong năm 2015 đã chấm dứt. Để có thể thông qua hiệp định TPP trong năm 2015, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe có thể sẽ tính tới việc triệu tập kỳ họp Quốc hội đặc biệt.

Theo thông tin báo chí, hoạt động chuẩn bị trình Hiệp định lên Quốc hội đã được tiến hành. Tuy nhiên, do thời gian kết thúc đàm phán kéo dài đến tận tháng 10/2015 (so với dự kiến vào tháng Bảy lúc đầu), khiến Chính phủ Nhật Bản gặp khó khăn trong việc chuẩn bị các tài liệu cần thiết để trình Quốc hội.

Trong trường hợp phải triệu tập một kỳ họp Quốc hội đặc biệt, nhiều khả năng Thủ tướng sẽ tiến hành vào đầu tháng 11. Khi đó, hai nội dung được ưu tiên hàng đầu tại Quốc hội là thông qua danh sách Nội các mới được Thủ tướng Abe cải tổ, dự kiến sẽ công bố trong ngày 7/10. Tiếp đó, là các dự luật đã được “xếp hàng” từ lâu như dự luật cải cách Tư pháp với nội dung đòi hỏi phải ghi âm, ghi hình trong quá trình thẩm vấn hình sự...

Tuy nhiên, một kế hoạch khác cũng sẽ được Chính phủ ưu tiên thực hiện trong tháng 12 là xây dựng dự toán ngân sách năm 2016. Do đó, nếu chỉ kéo dài trong tháng 11, kỳ họp Quốc hội đặc biệt khó có thể thực hiện xong kỳ vọng đặt ra trong việc thông qua các dự luật “ưu tiên.”

Ngoài ra, vào giữa tháng 11, Thủ tướng Abe sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Vì lẽ đó, trong liên minh cầm quyền và Chính phủ Nhật Bản cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên triệu tập Quốc hội đặc biệt, vì có thể kỳ họp này không những không giải quyết được đòi hỏi của Chính phủ, mà có thể sẽ trở thành diễn đàn phản đối luật an ninh mới được thông qua.

Trong trường hợp không triệu tập một kỳ họp đặc biệt vào cuối năm, các vấn đề “ưu tiên” của chính quyền Nhật Bản sẽ được giải quyết trong kỳ họp Quốc hội thông thường được triệu tập vào giữa tháng 1/2016.

Tại kỳ họp này, các nội dung ưu tiên hàng đầu sẽ là dự toán ngân sách bổ sung tài khóa 2015 và dự toán ngân sách tài khóa 2016. Tiếp đó sẽ là các vấn đề đã “xếp hàng” từ trước như dự luật Tư pháp sửa đổi... Vì vậy, nhiều khả năng Quốc hội chỉ có thời gian xem xét TPP từ tháng 4/2016.

Thời điểm sau tháng 4/2016 mới xem xét TPP sẽ là yếu tố bất lợi cho đảng Tự do Dân chủ cầm quyền. Nhiều quan chức trong đảng này muốn kéo rộng càng xa càng tốt thời điểm thông qua TPP và thời điểm tổ chức bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào tháng 6/2016.

Trong TPP, Nhật Bản buộc phải giảm thuế nông nghiệp để đổi lấy những lợi ích kinh tế khác. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh tới lĩnh vực nông nghiệp Nhật Bản. Do đó, nếu TPP được Quốc hội xem xét ngay trước khi bầu cử Thượng viện thì sẽ là "mảnh đất màu mỡ" để các đảng đối lập khai thác.

Một phương án khác đang được liên minh cầm quyền vạch ra. Theo đó, sẽ tiến hành triệu tập kỳ họp Quốc hội thông thường sớm lên. Tại kỳ họp này, TPP sẽ được đưa ra xem xét sớm, ngay sau khi thông qua dự toán ngân sách bổ sung tài khóa 2015 và trước khi xem xét dự toán ngân sách tài khóa 2016. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là tính toán ban đầu và trình tự làm luật cũng khác biệt so với thông lệ.

Nếu thực hiện phương án triệu tập sớm kỳ họp Quốc hội thông thường, thì nhiều khả năng liên minh cầm quyền sẽ không triệu tập kỳ họp Quốc hội đặc biệt. Điều này cũng lại đặt liên minh cầm quyền vào thế khó. Khi đó, các đảng đối lập sẽ chỉ trích mạnh mẽ thành phần Nội các mới được Thủ tướng Abe cải tổ vào tháng 10 mà không “trình diện” Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục