TPP - Tạo chuyển biến từ nguồn lực, tiếp cận công nghệ cao

Khi tham gia TPP, các doanh nghiệp ĐBSCL hợp tác sản xuất nông nghiệp với doanh nghiệp các thành viên, đặc biệt là Nhật Bản, trong việc tiếp cận công nghệ cao nhanh hơn.
TPP - Tạo chuyển biến từ nguồn lực, tiếp cận công nghệ cao ảnh 1Dây chuyền cấp đông cá tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Cá, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng doanh nghiệp chiếm khoảng 10% số doanh nghiệp cả nước, với hơn 50.000 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

Đây là khu vực năng động có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trong các lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, hải sản… là trong số những mặt hàng chủ lực của Việt Nam khi tham gia TPP.

Tham gia TPP, doanh nghiệp khu vực này có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời sức ép cạnh tranh gay gắt hơn.

Theo tiến sỹ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, Hiệp định TPP là cơ hội cho các mặt hàng nông thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận được các thị trường lớn trong nội khối TPP với thuế suất ưu đãi.

Cùng với đó là cơ hội cho các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hợp tác sản xuất nông nghiệp với doanh nghiệp các nước thành viên TPP, đặc biệt là Nhật Bản, trong việc tiếp cận công nghệ cao nhanh hơn, hướng tới phát triển nông nghiệp hiện đại thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Võ Hùng Dũng, các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu nhiều tác động khi tham gia TPP. Vì doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với trình độ kỹ thuật lạc hậu, năng lực quản trị kém, quy mô gia đình, thông tin hạn chế nên áp lực cạnh tranh, thậm chí phá sản đối với các doanh nghiệp khu vực này là rất lớn trước các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về nông nghiệp, trong khi đó nhiều nước nội khối cũng có thế mạnh tương đồng nhưng trình độ khoa học công nghệ, năng lực quản trị cao hơn nên nguy cơ bị thâu tóm và kiểm soát toàn diện trong chuỗi giá trị, đặc biệt ở lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, thủy sản là rất cao.

Nguồn lao động ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là lao động nông thôn với trình độ, tay nghề, ngoại ngữ hạn chế nên sẽ chịu thách thức lớn trước sự tự do dịch chuyển lao động nội khối; đồng thời gia tăng nguy cơ thất nghiệp do không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

Cuối cùng là thị phần của doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị thu hẹp trước sự tấn công ồ ạt của hàng hóa trong nội khối vào hệ thống siêu thị, phân phối...

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Mã Thị Thanh, để phát triển bền vững và chủ động hội nhập, đã đến lúc tự thân doanh nghiệp phải nỗ lực, tái cấu trúc lại doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian. Cùng với đó là tổ chức lại sản xuất, khai thác nguồn nhân lực có hiệu quả và phấn đấu giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, giảm giá bán mà vẫn có lãi.

Ông Huỳnh Quang Đấu,Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) cho rằng để có thể tham gia vào "sân chơi" đầy thử thách và khốc liệt như TPP, mỗi doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị cho mình được một tư thế sẵn sàng, thích ứng được và hội nhập được trong tình hình mới.

Ông Đấu cho biết doanh nghiệp của ông đã chủ động chuẩn bị cho mình về nhân lực và vật lực đáp ứng nhu cầu hội nhập. Antesco đã đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý chủ chốt, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ.

Đào tạo chiều sâu và đồng bộ bằng hình thức đào tạo tại chỗ hoặc mời chuyên gia kinh tế, chuyên viên kỷ thuật giỏi về công ty dạy cho cán bộ công nhân viên, cử cán bộ đi học các khóa chuyên đề trong và ngoài nước...

Đặc biệt đào tạo cán bộ pháp lý có đủ trình độ để tư vấn, trợ giúp ban lãnh đạo công ty trong kinh doanh và hợp tác quốc tế. Có bộ phận chuyên trách để nghiên cứu, thu thập thông tin về AFTA, APEC, WTO, TPP..., các cam kết giữa Việt Nam và các nước về ưu đại thuế quan, phi thuế quan, sở hữu trí tuệ nhằm xây dựng chiến lược kinh doanh, thị trường mục tiêu cần phát triển và xác định đúng các mức thuế, tránh thua thiệt.

Tiến sỹ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động tiếp cận thông tin và tìm hiểu về những tác động của TPP, nhằm tận dụng tốt cơ hội và hạn chế rủi ro.

Theo Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Lê Đăng Doanh, để cạnh tranh hiệu quả trong TPP các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết thành chuỗi doanh nghiệp-nông dân-xuất-nhập khẩu trong nước và ngoài nước-ngân hàng-viện nghiên cứu.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ; cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về nhãn mác, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động... Đặc biệt, các doanh nghiệp nên vận dụng triệt để công nghệ thông tin, thương mại điện tử, thực hiện các thủ tục thuế, hành chính, hải quan qua mạng.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 của các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, có hơn 50% doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh và hơn 40% doanh nghiệp kinh doanh bình thường.

Các yếu tố mà doanh nghiệp khu vực này tin tưởng để tiếp tục sản xuất kinh doanh là triển vọng kinh tế, chương trình hỗ trợ phát triển của Nhà nước, môi trường pháp lý cải thiện và cơ hội hội nhập mở cửa thị trường...

Với 55% doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá vào triển vọng kinh tế và hội nhập mở cửa thị trường, điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp khu vực này đã thấy được cơ hội, tác động khi tham gia TPP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục